Chủ tịch Nguyễn Đức Chung vừa qua đã cho biết, Hà Nội đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước để tham gia xây dựng tuyến metro. 3 tập đoàn nói trên là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 Tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km. Hà Nội hiện mới chỉ xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội.
8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội ước tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).
Vì thế, ngày 4/2/2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cần tăng cường huy động nguồn vốn nội địa thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm thực hiện 2 dự án đường sắt đô thị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế để tăng cường huy động nguồn lực trong nước hoặc nước ngoài thay cho nguồn vốn ODA để thực hiện các dự án đường sắt đô thị khác. Trong đó, Chính phủ tập trung tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia triển khai các dự án để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm chi phí xây dựng, thúc đẩy phát triển năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngay sau đó, sáng 17/1, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiết lộ hiện đã có 3 nhà đầu tư đề xuất tham gia xây dựng các tuyến Metro tại Hà Nội.
Cụ thể, theo thông tin trên tờ Tri Thức Trực Tuyến, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro. Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành đã đề xuất tham gia xây dựng dự án. Hà Nội sẽ có báo cáo lên Chính phủ xin ý kiến.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, khi DN nội thực hiện dự án, giá sẽ rẻ hơn và nâng cao năng lực của DN Việt. Toa tàu, thiết bị có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đào hầm, đường sắt, trụ móng, dầm, nhà ga... công ty trong nước hoàn toàn có thể làm được.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của việc xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh, rẻ và an toàn. Hiện đã có nhà đầu tư nội đăng ký, Hà Nội cũng xem xét kỹ họ sẽ làm thế nào. Đồng thời, việc mời các tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu, phản biện cũng cần được chú trọng.
Nhà nước ưu tiên doanh nghiệp nội làm Metro
Hiện nay, hai tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đều do các nhà thầu ngoại đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc triển khai. Tuy nhiên, cả hai dự án này hiện này đều đội vốn và chậm tiến độ.
Theo đó, tháng 10/2011, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được khởi công với kỳ vọng năm 2016 sẽ đi vào vận hành. Sau đó, dự án phải điều chỉnh theo dự kiến đầu 2018 mới chính thức được khai thác thương mại. Tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, bắt đầu xây dựng từ tháng 9/2010 tuy nhiên tthời điểm mới nhất ước tính có thể vận hành là năm 2021, chậm 4 năm so với kế hoạch đề ra.
Mặt khác, tuyến Cát Linh - Hà Đông sau điều chỉnh vào tháng 2/2016 đã đội vốn thêm hơn 330 triệu USD; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì cần thêm tới gần 400 triệu EUR vốn đầu tư bổ sung.