Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) vừa gửi công văn tới UBND Tp.HCM góp ý về đề án phát triển thị trường BĐS Tp.HCM giai đoạn 2016-2020.
5 điểm nghẽn của thị trường BĐS Tp.HCM
HoREA nhận định, từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường BĐS đi vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại, đặc biệt là năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đã xuất hiện xu thế chững lại và tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như: hiện tượng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn.
Đồng thời, lượng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp cũng gia tăng mạnh so với thời kỳ thị trường khủng hoảng. Trong khi đó, các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ, nhất là nhà cho thuê giá rẻ lại thiếu nghiêm trọng.
HoREA cũng chỉ ra 5 “điểm nghẽn” của thị trường BĐS, trong đó, tiền sử dụng đất hiện đang là gánh nặng, tạo ra cơ chế “xin - cho”; nghẽn ở khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến việc nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, "chôn" vốn của doanh nghiệp trong một thời gian dài, chưa có lối ra.
Pháp luật quy định chủ đầu tư muốn chuyển nhượng dự án BĐS thì phải giải phóng mặt bằng xong và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế và triển khai lại dự án.
Ngoài ra, chính sách tín dụng hiện này cũng chưa phù hợp, chưa tạo ra được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS, trong khi hiện nay tính chất hoạt động của thị trường đang là trung hạn, dài hạn. Mức lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm 2017. HoREA cho biết, tính đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thị trường BĐS Tp.HCM tồn tại 5 điểm nghẽn
Thêm một “điểm nghẽn"nữa của thị trường BĐS là thủ tục hành chính liên quan đến quy trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất còn rất nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu.
Hiện quy mô dân số của Tp.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm tỷ lệ 23% dân số; có hơn 400.000 sinh viên; hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới. Dự báo, trong 10 năm tới TP cần 1 triệu căn nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ.
Kiến nghị mức lãi suất thấp, thẩm định cho vay dễ dàng
Để phát triển thị trường BĐS Tp.HCM giai đoạn 2017-2020, HoREA đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, thuế là công cụ hàng đầu giúp điều tiết thị trường BĐS. Để khuyến khích thị trường tăng trưởng tốt thì nên áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập do chuyển nhượng BĐS.
Để điều tiết khi thị trường có dấu hiệu "bong bóng", nên áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên.
Về công cụ tín dụng, để khuyến khích thị trường BĐS tăng trưởng, cần áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng. Khi thị trường có dấu hiệu "bong bóng" thì áp dụng chính sách hạn chế tín dụng, kể cả áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, điều kiện thẩm định cho vay khắt khe, khống chế tăng trưởng tín dụng.
HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” theo hướng khuyến khích các chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng một ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng đó giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên có liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng mua nhà.
Đồng thời, cần phải có công cụ kiểm soát rủi ro trên thị trường BĐS, bảo vệ người tiêu dùng. Chủ đầu tư cần phải thực hiện nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật trước khi bàn giao nhà ở cho khách hàng.
“Các biện pháp trên đều nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh, bền vững”, HoREA nhấn mạnh.