Theo ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Chi hội BĐS du lịch Việt
Nam, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quanh Hà Nội đang được triển khai, hứa
hẹn nhiều sôi động trong thời gian tới.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Chi hội BĐS du lịch Việt Nam, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quanh Hà Nội đang được triển khai, hứa hẹn nhiều sôi động trong thời gian tới.
Ông Thắng phân tích, phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Hà Nội cũ và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,… diễn ra khá lặng lẽ từ thập kỷ trước. Sự sôi động của một vài dự án chỉ tập trung chủ yếu ở giai đoạn mới khai trương cho thấy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khu vực Hà Nội mới hiện nay chưa dành được sự quan tâm lớn và thị phần của thị trường.
Tuy vậy với công bố quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 với tổng diện tích 128.900 ha, diện tích xây dựng đô thị 73.000 ha, cùng với mô hình một chùm đô thị gồm một đô thị Trung tâm và 5 đô thị vệ tinh,… đang hứa hẹn một tiềm năng phát triển mới.
Trong thời gian qua, những địa điểm quanh Hà Nội như Ba Vì, Lương Sơn (Hòa Bình), Đại Lải (Vĩnh Phúc), hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã được triển khai xây dựng để đón đầu xu hướng trong thời gian tới.
Theo ông Thắng, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng trong nước tăng mạnh trong các năm gần đây và tiếp tục duy trì đước mức tăng trưởng trong các năm tới mặc dù cộng đồng các doanh nghiệp đang phải đối phó với nhiều khó khăn trước mắt về tài chính và tiêu thụ sản phẩm.
Mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn có khả năng duy trì từ mức tăng 11% năm như một số năm vừa qua và có thể sẽ tăng nhẹ do tình hình một số nước trong khu vực (như Thái Lan) đang gặp khó khăn do thiên tai mang lại.
Cần tạo sự chuyên nghiệp
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối 2010: Hiện có tổng số 99 trong đó tại Đà Nẵng: 19; tại Bình Thuận: 68. Tuy nhiên, các đặc thù cụ thể là các khu vui chơi giải trí cho cộng đồng còn thiếu; các khu resorts đang tập trung quá nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung nhưng chưa có khu đủ sức mang thương hiệu Việt Nam – làm điểm đến cho khách quốc tế; …
Ông Thắng cũng thừa nhận, hiện chưa có nghiên cứu sâu về bất động sản du lịch nên chưa có được chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho phát triển bền vững phân khúc này của thị trường bất động sản, mặc dù đây là một lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.
Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển bất động sản du lịch Việt Nam, do vậy cũng chưa có được quy hoạch chi tiết cho từng vùng, từng tiểu phân khúc của bất động sản du lịch dẫn đến việc phát triển tự phát, mất cân đối giữa các vùng miền
Hệ thống chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho bất động sản du lịch phát triển, cộng với các thủ tục hành chính còn phiền hà đã là các rào cản lớn cho phát triển bất động sản du lịch. Ngoài ra, công tác thống kê số liệu, tình hình đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các dự án bất động sản du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Thắng đã đưa ra đề xuất, cần tập trung cho công tác nghiên cứu sâu về bất động sản du lịch để có các kết luận đánh giá tương ứng, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bất động sản du lịch, trong đó có quy hoạch chi tiết các tiểu phân khúc.
Đồng thời, cần rà soát lại hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến bất động sản du lịch và các thủ tục hành chính liên quan đến tất cả các khâu trước và sau dự án từ đất đai, đến giải phóng mặt bằng, quy trình xin phép lập và xây dựng dự án, quy định về huy động vốn và bán hàng, … phù hợp với tình hình đặc thù của từng tiểu phân khúc hiện nay và giữa các vùng miền.
Hà Nam