Sự phân bố, cơ cấu các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư bất động sản (BĐS)
trên địa bàn Hà Nội bất hợp lý. Trong khi quy hoạch chung chưa phê duyệt
thì các dự án BĐS đã được lấp đầy.
Sự phân bố, cơ cấu các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội bất hợp lý. Trong khi quy hoạch chung chưa phê duyệt thì các dự án BĐS đã được lấp đầy.
Kẻ đắp chăn, kẻ lạnh lùng
Cùng được phê duyệt, thậm chí cùng địa điểm, cùng quy mô nhưng thực tế hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) trên địa bàn Hà Nội lại có những số phận trái ngược nhau.
Nằm trên Đại lộ Thăng Long đoạn xã An Khánh (huyện Hoài Đức), hai dự án được coi là “khủng” nhất của Hà Tây cũ trước khi sáp nhập về Hà Nội là KĐT Bắc An Khánh (Splendora) và Nam An Khánh lại có số phận trái ngược nhau. Trong khi người “đồng hương” Bắc An Khánh nằm bên này Đại lộ do chủ đầu tư Vinaconex và Posco (Hàn Quốc) triển khai ngày đêm như một đại công trường (hiện đang hoàn thành sản phẩm biệt thự, liền kề, hai khối nhà chung cư sắp hoàn thành phần thân) thì bên kia, dự án Nam An Khánh của Cty Sudico mới chính thức được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500. Hàng trăm héc ta đất cỏ mọc um tùm, vài khu được quây tôn không biết là dự án gì.
Tại Hoài Đức nơi được coi là “thủ phủ” của các KĐT ở phía Tây Hà Nội, số phận các dự án cũng không giống nhau, nếu không muốn nói là “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Trong khi những KĐT như Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Tân Tây Đô, Lideco…, chủ đầu tư triển khai rầm rộ; có những KĐT sản phẩm liền kề biệt thự sắp bàn giao đi vào sử dụng, thì các KĐT “hàng xóm” như Sơn Đồng, An Thịnh, Đại học Vân Canh, Mai Linh Hoài Đức, Dầu khí Đức Giang… vẫn án binh bất động. Đó là chưa kể hàng chục dự án đô thị sinh thái khác trên địa bàn các huyện như Quốc Oai, Thạch Thất.
Xuôi về phía Đại lộ Thăng Long hướng theo đường Lê Trọng Tấn kéo dài đi Hà Đông, các KĐT sinh thái như Thiên Đường Bảo Sơn, Khu A, Khu C đô thị Lê Trọng Tấn, Dương Nội, An Hưng, Văn Khê, Văn Phú, Xa La có những khu đã đi vào sử dụng, các khu khác đang đến giai đoạn cuối của hoàn thiện nhà liền kề biệt thự. Trong khi đó, các KĐT Park City, Thanh Hà A, Thanh Hà B, Phú Lãm, Galaxy I, Galaxy II, Kiến Hưng… “đắp chăn, trùm mền” là chủ yếu. Tương tự tại huyện Mê Linh với vài hàng chục dự án gần như có chung một số phận là bỏ hoang. Một số ít dự án đang làm hạ tầng một phần hoặc chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, điều này khiến Mê Linh được gọi là “thánh địa” của các dự án KĐT bỏ hoang.
Nín thở chờ giải thoát
Trong tổng số 785 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội (chiếm quy mô đất đai gần 77.000 ha) được đưa vào diện rà soát, sau đợt 1 với 244 đồ án, dự án được “giải phóng”, số còn lại là trên 540 đồ án, dự án “nín thở” chờ đợi trong rà soát đợt 2. Được biết, các dự án đầu tư xây dựng, đồ án quy hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước không thuộc đối tượng rà soát (trừ trường hợp đặc biệt). Số đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trong đợt 2 sẽ được phân thành 2 nhóm: tiếp tục triển khai hoặc phải tạm dừng để tiếp tục rà soát, đề xuất trong các đợt tiếp theo. “Hiện danh sách các đồ án, dự án trong đợt 2 đã được TP thông qua và đang đề nghị Thủ tướng phê duyệt. Vì nhạy cảm nên phải để khi nào được phê duyệt mới công bố được” - Một cán bộ Phòng Xây dựng - Đô thị UBND TP, cho biết.
Tuy nhiên, ngoài danh mục 244 dự án được phép triển khai, chưa có danh sách nào khác về những dự án, đồ án không được triển khai thuộc chương trình rà soát. Trên thực tế, từ khi hợp nhất, đã có những dự án, đồ án nhận lệnh dừng triển khai, đầu tư nhưng lại thuộc các chương trình, mục tiêu rà soát khác, thậm chí việc quyết định dừng các dự án, đồ án đó không liên quan tiến độ các đợt rà soát trên. Ví dụ các dự án sân golf Tuần Châu (Quốc Oai), Hồ Cẩm Quỳ, Hồ Đồng Sương... Ngược lại, có những dự án, đồ án đang trong đợt rà soát tổng thể vẫn được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, như, các dự án KĐT mới Thạch Thất (tại huyện Thạch Thất), Thạch Phúc (tại huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), để cần đến một chương trình kiểm tra khác.
Điều đáng nói, với số lượng lớn các đồ án, dự án trong diện rà soát được các cơ quan chức năng đề xuất tiếp tục triển khai chủ yếu chỉ thêm “động tác”. Thứ nhất, các đồ án, dự án được tiếp tục triển khai ngay nhưng không phải làm thủ tục khớp nối hạ tầng kỹ thuật- xã hội; Thứ hai, các đồ án, dự án được tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật - xã hội trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Nguyên tắc không chỉ rà soát về địa điểm xây dựng có phù hợp với định hướng quy hoạch chung Thủ đô hay không, mà cần xem xét, cân đối về số lượng các dự án phát triển đô thị, công trình y tế, giáo dục, văn hóa… Cần tính toán phân bố hợp lý, tránh tập trung nhiều dự án có cùng chức năng ở cùng một khu vực”.
(Theo TPO)