Rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng mức đầu tư lên
đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ USD đã được cấp phép từ nhiều năm
qua, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.
Rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng mức đầu tư lên đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ USD đã được cấp phép từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy.
Vướng mặt bằng
Toàn tỉnh hiện có hơn 10 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép từ lâu, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn đang nằm trong tình trạng “án binh bất động”. Điển hình trong số các dự án này là Dự án Công viên thế giới kỳ diệu, khu du lịch Biển Xanh, Câu lạc bộ Đại Phú Hào, Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Skybridge Dragon Sea, Saigon Atlantis Hotel…
Dự án Câu lạc bộ Đại Phú Hào do Công ty TNHH Đại Phú Hào Vũng Tàu đầu tư, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 1-2008, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, xây dựng một khách sạn chung cư đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, gồm 500 phòng và 50 biệt thự cao cấp tại phường 11, TP. Vũng Tàu. Các lĩnh vực kinh doanh là nhà hàng ăn uống, vũ trường, karaoke, cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán hàng lưu niệm…Theo kế hoạch, Công ty sẽ nhận bàn giao mặt bằng, rà phá bom mìn và thiết kế xây dựng chỉ sau 2 đến 3 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận, và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2010. Thế nhưng đến thời điểm này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân không giải phóng được mặt bằng, nên dự án không thể triển khai được. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: hiện còn 5 hộ dân không đồng ý về giá bồi thường; còn diện tích đất do Công ty cổ phần Phát triển công viên cây xanh và đô thị đang bị 58 hộ bao chiếm trên diện tích 5.000m2 dựng nhà tạm để ở; và đất do Trung tâm Quỹ đất quản lý hiện còn 11 hộ gia đình khiếu kiện từ nguồn gốc đất dự án Minh Phụng.
Tương tự là Dự án Công viên thế giới kỳ diệu quy mô 133 ha, tại khu vực Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu) của nhà đầu tư Good Choice, tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Đến nay, dự án này không những không giải phóng được mặt bằng mà trái lại, mặt bằng ngày càng bị chiếm dụng nhiều hơn do tình trạng xây dựng trái phép ở đây không ngăn chặn nổi. Dự kiến, tổng chi phí cho bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư của dự án này lên tới 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền đền bù sẽ tăng lên rất nhiều nếu công tác đền bù cứ kéo dài.
Dự án Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế Skybridge Dragon Sea (phường 11, TP.Vũng Tàu), vốn đầu tư hơn 900 triệu USD cũng đang chờ đất, đến thời điểm này nhà đầu tư vẫn chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án.
Ngoài nguyên nhân không giải phóng được mặt bằng, còn có những nguyên nhân khác như chủ đầu tư chưa quyết tâm thực hiện, không đủ năng lực tài chính và chuyên môn. Và cũng không loại trừ việc một số chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án bằng cách xin điều chỉnh thiết kế, quy hoạch nhiều lần để tìm đối tác chuyển nhượng dự án.
Nhà đầu tư chịu thiệt
Theo quy định, nhà đầu tư được giao mặt bằng sạch và thời điểm tính tiền thuê đất được xác định từ lúc bàn giao mặt bằng. Nhưng do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hầu hết các dự án thường kéo dài, trong khi giá thuê đất đội lên hàng năm nên việc được bàn giao mặt bằng chậm đã làm nhà đầu tư phải gánh chịu mức giá đất cao hơn so với thời điểm bắt đầu có giấy phép đầu tư. Chẳng hạn, tại dự án Saigon Atlantis Hotel (có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD), chủ đầu tư dự án này đang đề nghị tỉnh tính toán lại mức giá cho thuê đất, vì từ thời điểm từ năm 2007 đến nay, giá thuê đất đã tăng gần 440%.
Thời gian qua, trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, không đủ để chi trả tiền giải phóng mặt bằng, tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư ứng trước vốn cho công tác giải phóng mặt bằng rồi sau đó trừ vào tiền thuê đất. Chủ trương này đều được các nhà đầu tư quyết tâm triển khai dự án đồng tình thực hiện. Chẳng hạn, tại các dự án như Khu du lịch Biển Xanh, năm 2007 chủ đầu tư đã ứng trước vào ngân sách 16 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD); chủ đầu tư dự án Saigon Atlantis Hotel cũng đã chuyển 98 tỷ đồng (tương đương 6 triệu USD); Công ty TNHH OSC- Duxton chủ đầu tư Dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ dụ lịch, trung tâm thương mại kết hợp văn phòng cao cấp cho thuê tại Bãi Trước cũng đã chuyển vào ngân sách Nhà nước 3,6 triệu USD… Thế nhưng, vì vẫn không thể giải quyết xong việc đền bù giải phóng mặt bằng nên kết quả là các dự án vẫn ngưng trệ. Chủ đầu tư dự án “thiệt đơn thiệt kép” vì vừa không thể triển khai được dự án, vừa phải chôn vốn vào khoản tiền ứng trước cho nhà nước, lại phải chịu mức giá thuê đất tăng lên hàng năm.
Bà Bùi Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Tại một số dự án, tỉnh nhận thấy được sự thiệt thòi rất lớn của nhà đầu tư nên đã có báo cáo với Bộ Tài chính để xin điều chỉnh các quy định về việc áp dụng giá thuê đất nhằm tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.
Tìm hướng tháo gỡ
“Sốt ruột” với tiến độ của các dự án, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành để giải quyết vướng mắc về đất đai cho nhà đầu tư, song song đó UBND tỉnh cũng kiện toàn lại Tổ hỗ trợ các dự án ngoài hàng rào các khu công nghiệp và quy chế hoạt động của Tổ. Theo đó, định kỳ 2 tuần, Tổ hỗ trợ này sẽ tổ chức họp một lần để giải quyết những vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhằm sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Tại các cuộc họp, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ các dự án ngoài hàng rào khu công nghiệp đều yêu cầu các sở, ngành tìm hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp để kịp thời có hướng xử lý. Mới đây nhất, ngày 8-7 vừa qua, ông Hồ Văn Niên đã trực tiếp làm việc với 3 nhà đầu tư lớn là: Công ty TNHH Câu Lạc bộ Đại Phú Hào, Công ty TNHH Winvest Investment và Công ty TNHH OSC- Duxton để tìm hướng giải quyết cho các dự án. Quan điểm nhất quán của tỉnh là các dự án này đều là những dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lớn nên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai hoàn thành sớm, nhưng tỉnh cũng yêu cầu, các nhà đầu tư cần thể hiện thiện chí đầu tư, quyết tâm thực hiện dự án.
(Theo báo BRVT)