Thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang gặp khó bởi những chồng chéo, thiếu sót, chưa đồng bộ của hệ thống luật liên quan.
Thực tế cho thấy, thị trường nhà đất có dấu hiệu chững lại kể từ đầu năm 2019 tới nay. Do vướng mắc về mặt pháp lý, không ít dự án buộc phải tạm ngừng thi công khiến thị trường khan hiếm nguồn cung. Cùng với đó, doanh nghiệp địa ốc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
Hội nghị Bất động sản 2019 về nội dung "Lấy ý kiến - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" vừa được tổ chức vào sáng ngày 25/9/2019. Đại diện của cơ quan Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản TP.HCM và giới chuyên gia đã tới tham dự hội nghị này.
Tham luận tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, do vướng mắc về pháp lý nên nguồn cung bất động sản trên thị trường bị dừng từ đầu năm nay. Tuy nhiên, tính thanh khoản của thị trường vẫn ở mức cao.
Đánh giá về tác động của thực trạng nêu trên lên thị trường, theo ông Võ: "Sự bất cập của pháp luật đang tác động đến thị trường dẫn đến nguồn cung của các dự án đều giảm so với cùng kỳ năm trước".
|
Giá bất động sản TP.HCM có thể gia tăng trong 1-2 năm tới do thiếu nguồn cung.
(Ảnh: Quỳnh Danh) |
GS. Đặng Hùng Võ dự báo rằng, thị trường có tính thanh khoản cao trong khi thiếu nguồn cung sẽ dẫn tới giá nhà đất gia tăng trong 1-2 năm tới. Điều này sẽ kéo theo không ít hệ lụy lớn, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh chung.
Trong khi đó, bàn về sự xung đột, chồng chéo của hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực địa ốc hiện nay, Trưởng Ban pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, hiện có 9 luật cùng hơn 20 thủ tục hành chính khác nhau liên quan tới hoạt động kinh doanh, phát triển bất động sản.
Cụ thể, 9 bộ luật liên quan tới lĩnh vực này gồm Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Quy hoạch đô thị. Giữa các điều luật có nhiều điểm trùng lặp, xung đột, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp địa ốc.
Việc thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, tốn chi phí giao dịch. Chưa kể, doanh nghiệp còn phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, dẫn tới hoạt động đình trệ, gia tăng rủi ro pháp lý.
Cũng theo ông Tuấn, thực trạng này cũng khiến cơ quan nhà nước bị động, lúng túng khi giải quyết công việc, tâm lý sợ rủi ro, sợ sai, từ đó dồn việc lên cấp cao hơn; thực thi không nhất quán giữa các địa phương.
Thị trường bất động sản năm 2019 xảy ra nhiều tranh chấp về pháp lý. Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), luật sư Châu Việt Bắc thông tin, trong nửa đầu năm nay, những tranh chấp pháp lý trong lĩnh vực địa ốc cần tới trọng tài thương mại tăng cao.
Luật sư Bắc cho biết, có 3 dạng tranh chấp trong lĩnh vực nhà đất, trong đó chủ yếu là tranh chấp liên tới tới dự án, thuê và cho thuê bất động sản; chuyển nhượng, mua bán.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tranh chấp này như cơ chế chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh, mua bán bất động sản. Việc không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng cũng là lý do dẫn đến tranh chấp.
Trước thực trạng đó, ông Tuấn đề xuất rà soát và đánh giá toàn diện vấn đề. Đồng thời, cần phối hợp, thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo luật.
Theo ông Tuấn, nên sử dụng một luật để sửa nhiều luật; cần có cơ quan, thiết chế độc lập giúp Chính phủ rà soát. Ngoài ra, việc soạn thảo luật phải chuyên nghiệp, độc lập và tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.