Anh Tuấn (TP. Hà Nội) nghỉ làm môi giới bất động sản hơn 1 năm nhưng vẫn gọi điện, nhắn tin mỗi ngày cho giám đốc cũ để đòi 120 triệu đồng tiền hoa hồng chưa được trả.
Tiền hoa hồng nói trên là khoản thưởng và phí sàn giao dịch nhà đất cam kết sẽ trả cho anh Tuấn sau khi kết nối bán thành công một số căn hộ chung cư. Anh Tuấn cho biết, họ trả phí đầy đủ cho một vài căn hộ đầu tiên, sau đó việc thanh toán ngày càng khó khăn và kéo dài tới nay. Như vậy, môi giới bất động sản vẫn chưa nhận được hoa hồng dù giao dịch đã diễn ra cách đây 1,5 năm.
Theo thông tin từ anh Tuấn: "Ban đầu họ giải thích do chủ đầu tư thanh toán hoa hồng cho các sàn theo tiến độ xây dựng dự án. Tuy nhiên, đó là việc giữa họ và chủ đầu tư, còn cam kết đã ký với tôi, họ nói xong giao dịch sẽ được nhận tiền. Vậy mà đến nay, tôi đòi như đi xin mà chưa được".
|
Môi giới bất động sản đang tư vấn, giới thiệu dự án căn hộ chung cư cho khách hàng.
(Ảnh: K.H) |
Dù sao thì trường hợp của anh Tuấn vẫn còn may mắn hơn so với anh Trung - môi giới đất nền tại TP. Đà Nẵng. Anh Trung vừa chấp nhận mất hơn 100 triệu hoa hồng sau nhiều lần tới sàn, gặp gỡ đủ cấp lãnh đạo để mong được giải quyết.
Anh Trung chia sẻ: "Không riêng tôi, rất nhiều môi giới khác cũng gặp để đòi nhưng khi đến trụ sở thì họ đóng cửa hoặc cho nhân viên lễ tân ngồi tiếp. Gọi điện cho lãnh đạo sàn, khi thì họ trả lời rồi viện đủ lý do khó khăn, lúc thì họ không nghe máy, gần đây còn không liên lạc được".
Thậm chí, một số môi giới nhà đất còn bị sàn "bùng" cả khoản thưởng nóng. Ngay sau khi giao dịch thành công, thưởng nóng là khoản cố định mà môi giới được nhận. Đầu năm 2018, Hòa - môi giới mới vào nghề, bán sản phẩm căn hộ chung cư tại Hà Nội. Anh được chủ đầu tư cam kết thưởng nóng 50 triệu đồng/căn. Thế nhưng, vì thanh khoản kém nên khách hàng đòi "cắt máu" chỉ còn 10 triệu đồng/căn. Có nghĩa là, khi giao dịch thành công, nhận thưởng nóng xong, môi giới sẽ đưa thêm cho người mua nhà 40 triệu đồng, bản thân chỉ nhận về 10 triệu đồng.
Lúc bấy giờ, Hòa còn phải ứng tiền túi để trả cho khách. Sau đó hơn 1 năm anh mới đòi được hết khoản thưởng nóng này.
Một trường hợp khác, anh Quang - cộng tác viên tại một sàn giao dịch địa ốc tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) bị cắt giảm hoa hồng còn một nửa so với cam kết ban đầu. Anh phải hợp tác với nhiều môi giới khác để bán hàng, chốt giao dịch. Thế nhưng, do sàn trả phí bằng một nửa so với cam kết nên anh Quang phải bớt phần hoa hồng của mình trả cho môi giới kia.
Thực tế cho thấy, một số chủ đầu tư còn nợ phí sàn môi giới đến vài năm. Ví dụ, một sàn giao dịch tại Quảng Ninh từng là đơn vị bán thành công hàng chục căn biệt thự cho một dự án nghỉ dưỡng. Nhân viên môi giới của sàn thuộc top xuất sắc nhất, được vinh danh tại nhiều sự kiện do chủ đầu tư tổ chức. Song, gần 2 năm sau giao dịch với nhiều lần gây căng thẳng với chủ dự án, họ mới được nhận hoa hồng.
Giám đốc sàn cho hay: "Theo hợp đồng, hoa hồng sẽ được thanh toán sau 30 ngày nhưng khi đó, chủ đầu tư nêu mọi lý do để trì hoãn. Trong khi đó, để giữ chân môi giới thì chúng tôi không thể nợ họ mà phải ứng ra. Gặp mấy chủ đầu tư như vậy, sàn chẳng mấy đóng cửa, đặc biệt là những sàn nhỏ, mới thành lập". Rút kinh nghiệm, thời gian gần đây sàn thường làm việc với chủ đầu tư, ngân hàng để ký thỏa thuận bảo lãnh thanh toán phí môi giới.
Không chỉ môi giới bán dự án mà cả môi giới đất thổ cư cũng bị nợ phí hoa hồng. Là môi giới nhà đất thổ cư tại Cầu Diễn, Huy cho biết, bên bán đồng ý ký hợp đồng cam kết sẽ trả hoa hồng bằng 1% giá trị giao dịch. Thế nhưng, người bán quên luôn khoản phí này sau khi giao dịch thành công.
Anh Huy nhớ lại: "Để đòi được phí, có lần tôi còn phải nhờ cả người đòi nợ thuê đến nhà ngồi chờ và gây sức ép bởi cứ đến thì người bán lại tránh mặt gặp".
Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phân phối DTJ, bà Trần Thị Thu Hiền, tình trạng nợ môi giới hoa hồng chủ yếu xảy ra đối với những chủ đầu tư, sàn giao dịch mới thành lập. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp mới thành lập, tài chính còn yếu, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ phá sản.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư EZ Việt Nam, ông Phạm Đức Toản đồng ý tình nhận định của bà Hiền. Ông Đức cho rằng, chỉ những sàn môi giới bất động sản làm ăn kiểu chộp giật mới xảy ra tình trạng này. Bởi lẽ, sàn giao dịch rất khó tuyển được cộng tác viên hoặc môi giới bán hàng nếu nợ hay quỵt tiền hoa hồng.
Tại các đơn vị môi giới nhỏ, nhân viên môi giới thường không có hợp đồng lao động chính thức mà chỉ là cộng tác viên bán hàng. Thay vì có văn bản thỏa thuận chính thức, hai bên có thể chỉ nói miệng về mức phí hoa hồng. Thế nên, khi đòi hoa hồng từ các sàn kiểu này, môi giới là bên bị yếu thế.