Thị trường địa ốc Việt đang chứng kiến làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản gia tăng. Để tiến sâu hơn vào thị trường, giới đầu tư Nhật thường chọn bắt tay, hợp tác với các doanh nghiệp nội.
Doanh nghiệp Nhật Bản chiếm giữ ngôi vị quán quân trong danh sách nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành nghề của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho thấy, tính đến hết năm 2016, các nhà đầu tư Nhật đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 53 dự án trong lĩnh vực kinh doanh với tổng vốn đầu tư là 1,91 tỷ USD.
Hợp tác với doanh nghiệp trong nước
Hồi cuối năm ngoái, cuộc khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư do Công ty Sao Khuê tổ chức đã nhận được nhiều thông tin về nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản là một trong các nhóm nhà đầu tư thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Jones Lang LaSalle (Việt Nam) cho hay.
Điều đáng nói là, với thị trường địa ốc, các nhà đầu tư Nhật Bản không ồ ạt tham gia ngay vào thị trường, gia tăng về lượng dự án đầu tư như các ngành nghề khác. Giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Nhật gia nhập thị trường bất động sản Việt Nam theo từng bậc.
Đầu tiên, các nhà đầu tư tham gia đầu tư các khách sạn, văn phòng cho thuê, sau đó đẩy mạnh vào dòng sản phẩm xây nhà để bán. Song, khác với các nhà đầu tư khác, doanh nghiệp Nhật không đi theo hướng tự đầu tư toàn bộ dự án mà theo xu hướng chọn hình thức đầu tư gián tiếp, mua một phần của dự án đã hoàn chỉnh các thủ tục với cơ quan nhà nước hoặc mua cổ phần từ các công ty.
Với hình thức đó, họ vừa thử nghiệm thị trường mới vừa tiết kiệm được thời gian đầu tư, lại thu hồi vốn nhanh hơn so với đầu tư trực tiếp.
Làn sóng nhà đầu tư Nhật tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam
ngày càng rõ rệt.
Nam Long đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển các dự án bất động sản. Mới đây, đơn vị này đã thỏa thuận với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad (từ Fukuoka) và Hankyu Realty (từ Osaka) để triển khai dự án Mizuki Park với tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng tại quận 7 (Tp.HCM).
Bên cạnh đó còn cón thương vụ bắt tay của bộ 3 Daiwa House - Nomura - Sumitomo với Phú Mỹ Hưng; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Nam Long để triển khai dự án Ascent Lakeside tại quận 7. Mitsubishi bắt tay vớ Tập đoàn Bitexco; Kajima (Nhật Bản) hợp tác với Indochina Capital; Lemon Grass Master Fund đổ vốn vào Sonkim Land; Tokyu hợp tác với Becamex hoặc Creed Group rót vốn vào Năm Bảy Bảy, An Gia.
Bằng hình thức hợp tác với Công ty Thiên Đức (Công ty Golf Long Thành) thực hiện dự án Waterina Suites khu Thạnh Mỹ Lợi, Tập đoàn Maeda đã chính thức có mặt trên thị trường nhà đất Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật góp phần gia tăng sức hút dự án
Từ trước tới nay, các doanh nghiệp Nhật vốn nổi tiếng với tính kỷ luật, tiêu chuẩn cao nên các dự án có người Nhật tham gia thường nhấn mạnh vào tiêu chí tiện dụng và chất lượng.
Chính vì thế, sự có mặt của các đối tác Nhật là yếu tố góp phần gia tăng thêm sức hút cho các dự án khi chào bán ra thị trường. Doanh nghiệp Việt thường lấy những ý tưởng "rất Nhật" làm bệ phóng cho sản phẩm.
Công trình đầu tiên Phú Mỹ Hưng bắt tay với các tập đoàn địa ốc Nhật gồm Nomura Real Estate Group, Daiwa House Group và Sumitomo Forestry Group là dự án khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown. Để hấp dẫn người mua, chủ dự án đã phát triển một công viên Sakura Park theo ý tưởng các công viên hoa anh đào ở Nhật Bản, phục vụ cư dân thưởng ngoạn.
Tổng giám đốc Công ty Maeda Thiên Đức, ông Tetsuo Kida (có kinh nghiệm 25 năm quản lý đầu tư ở các thị trường Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia) nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan và Nhật Bản.
Theo chuyên gia này, thị trường Thái Lan cũng mất một thời gian chuyển đổi như Việt Nam. “Khi cơ sở hạ tầng đã đầy đủ, người tiêu dùng sẽ bắt đầu yêu cầu chất lượng hàng hóa cao hơn. Thị trường Việt Nam cũng sẽ phát triển như vậy trong giai đoạn tiếp theo”, ông Tetsuo Kida chỉ rõ.
CBRE Việt Nam cho hay, phần lớn các dự án thuộc phân khúc hạng sang đều thuộc các chủ đầu tư ngoại đến từ Singapore như Captitaland, Keppel Land, Kusto, tới đây sẽ có thêm Fraser. Doanh nghiệp Nhật hiện đã chính thức gia nhập vào phân khúc bất động sản hạng sang tại Việt Nam.