Theo các chuyên gia phân tích, đáo hạn ngân
hàng là áp lực chung với nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên, ở khu vực phía
Bắc, cuộc bán tháo BĐS khó xảy ra.
Theo các chuyên gia phân tích, đáo hạn ngân hàng là áp lực chung với nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên, ở khu vực phía Bắc, cuộc bán tháo BĐS khó xảy ra.
Vừa qua, khi chứng kiến hàng loạt vụ vỡ nợ trăm tỷ đồng liên quan tới BĐS, cùng với thông tin nhiều dự án phía Nam bán tháo liên tiếp, nhiều nhà đầu tư và những người quan tâm tới thị trường đất đai không khỏi băn khoăn: Liệu thời gian tới, có hay không cuộc bán tháo thứ hai xảy ra tại khu vực phía Bắc?
Trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Cường Phát cho rằng: Đã là kinh doanh thì ở đâu cũng bị áp lực đáo hạn ngân hàng nhưng ở mỗi nơi, nhà đầu tư lại có những cách xử lý khác nhau trước các tình huống khó khăn.
Nhận định về những cú giảm giá, cắt lỗ ngoạn mục của địa ốc TP.HCM mới đây, mở màn là Petro Vietnam Landmark với thông báo giảm giá 35% cho 85 căn hộ của một dự án ở quận 2. Ngay sau đó, Công ty Sài Gòn Mekong cũng công bố giảm giá từ 18 triệu đồng/m2 xuống 14,5 triệu cho 500 căn hộ thuộc dự án An Tiến tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng: Việc bán tháo của Công ty Cổ phần dầu khí Việt Nam và Sài Gòn Mekong là quy luật chung của thị trường, các lĩnh vực kinh doanh khác cũng tương tự, không riêng gì BĐS.
“Các dự án bán tháo không có nghĩa là các sản phẩm đó kém chất lượng hoặc mặt hàng đó kéo theo các hệ lụy xấu trong xã hội. Việc bán tháo ở đây là quy luật tất yếu khi thị trường trầm lắng như hiện nay. Tất cả các nhà đầu tư vay vốn ngân hàng, tạo dựng cơ nghiệp từ nguồn vốn đó thì đương nhiên tới thời hạn trả nợ đều có áp lực đáo nợ. Điều này là hoàn toàn bình thường”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, ở đây có 2 lý do dẫn tới hành động bán tháo, chịu lỗ của nhà đầu tư: Thứ nhất là đã đến kỳ hạn trả tiền ngân hàng, cần thanh khoản nên phải giảm mức độ lãi, hạ giá sản phẩm và chấp nhận bán với giá dễ thu hút tính thanh khoản nhất. Lý do thứ hai có thể vì các nhà đầu tư này muốn đổ tiền vào một dự án khác thu về lợi nhuận cao hơn nên chấp nhận bán lỗ vốn dự án này để đầu tư.
Ông Cường cho rằng: Với việc bán tháo này, các nhà đầu tư không hẳn đã lỗ vốn. “Là nhà đầu tư, họ đều có chiến lược kinh doanh và những tính toán riêng. Hơn nữa với giá 14,5 triệu/m2, thanh toán 100% là một chiến lược bán hàng rất tốt, các chủ đầu tư khác phải nhìn đó để học tập cách bán hàng. Mặc dù giá giảm 30% nhưng với việc thanh khoản nhanh (yêu cầu trả 100%), đó chẳng phải là một chiến lược tốt trong lúc cần thanh khoản, trả tiền ngân hàng sao?”
Làm một phép liên hệ, so sánh, từ cuộc bán tháo BĐS tại TP.HCM, nhìn nhận lại thị trường, ông Trương Hải Long – Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội, Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội tin rằng: Tại Hà Nội, “tôi nghĩ không có đợt bán tháo”.
Lý giải về điều này, ông Long nhận xét: Nguyên do chính của cuộc bán tháo tại TP. HCM là bởi các nhà đầu tư chịu áp lực đáo hạn ngân hàng nhưng tại khu vực phía Bắc, một số nhà đầu tư miền Bắc phụ thuộc vào ngân hàng ít hơn miền Nam. Họ phần lớn sử dụng nguồn vốn họ tự huy động được.
Vì vậy, “khả năng bán tháo tại Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc là rất ít, có thể chỉ diễn ra ở 1, 2 nhà đầu tư với 1,2 dự án nhỏ lẻ” – ông Long dự đoán.
Vừa qua, tại một số địa điểm ở Hà Nội cũng đã xảy ra tình trạng giảm giá. Đơn cử, giá đất dự án quanh trục đường Lê Văn Lương đã có dấu hiệu giảm xuống 2-3 triệu đồng/m2. Như liền kề dự án Văn Khê thời điểm tháng 9 giá bán 87 triệu đồng/m2 bao gồm cả tiền xây thô thì này chỉ còn 84-85 triệu đồng/m2, giá dự án An Hưng từ 67 triệu đồng/m2 xuống còn 65 triệu đồng/m2....
Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra ở một số dự án bán xỉ, nhỏ lẻ nên theo giới kinh doanh BĐS, đây mới chỉ là hoạt động giảm giá chứ không phải là dấu hiệu của một đợt bán tháo lớn.
Vẫn chưa phải thời điểm tốt để mua nhà
Với câu hỏi: “Đây có phải là thời điểm tốt để những người có nhu cầu thật mua nhà”, các chuyên gia về BĐS có những quan điểm, cách nhìn khác nhau.
Ông Trương Hải Long – Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội, Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội cho rằng: “Với tình hình tài chính như này, đến đầu năm 2012, nếu nhà nước không có chính sách đồng bộ để hỗ trợ, giải cứu thị trường BĐS thì không khí giao dịch trầm lắng như hiện tại là điều hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Thị trường khó có cơ hội hồi phục trở lại”.
Ở một phương diện khác, một chuyên gia BĐS cũng cho rằng: Đã từ lâu, thị trường BĐS luôn bị đẩy giá lên cao, vượt mức so với giá trị thực của nó. Nhìn nhận thị trường hiện nay, vị này cho biết: Mức giá mà các sàn đang giao dịch hiện tại vẫn chưa phải mức giá tốt nhất, “vì ở ngoài miền Bắc, để có một miếng đất giá tốt thì rất phức tạp và tốn kém nhiều chi phí không tên khác”.
Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, những nhà kinh doanh, lãnh đạo các công ty BĐS cho rằng: Giống như một vài tháng vừa qua, biểu đồ BĐS sẽ tiếp tục đi ngang, có những phân khúc khó thanh khoản như nhà liền kề hay những biệt thự, chung cư cao cấp.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội tư vấn: Với những người có nhu cầu thật tới mức không thể chờ được, bức thiết phải có nhà hoặc có đất ngay trong ngày hôm nay thì nên mua. Bởi “thời cơ hàng giảm 20 – 30% là rất hiếm, trước đó làm gì có cơ hội để chạm vào ngưỡng giảm giá “khủng” ấy”.
|
(Theo GDVN)