Bù lại khoảng thời gian 1996-2006 với rất ít khách sạn 5 sao mới, một loạt dự án tầm cỡ đang "xếp hàng" để vào Việt Nam, khiến mảng đầu tư này trở nên nóng bỏng trong quý đầu năm 2007.
Bù lại khoảng thời gian 1996-2006 với rất ít khách sạn 5 sao mới, một loạt dự án tầm cỡ đang "xếp hàng" để vào Việt Nam, khiến mảng đầu tư này trở nên nóng bỏng trong quý đầu năm 2007.
Nổi bật về đầu tư khách sạn trong thời gian qua là Hà Nội, với cuộc chạy đua của các đại gia nhằm giành được những vị trí chiến lược xây dựng khách sạn 5 sao. Khởi đầu là tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) được Hà Nội chấp thuận đầu tư tổ hợp khách sạn 5 sao với 500 phòng và khu văn phòng cao 60 tầng, tổng vốn 500 triệu USD. Dự kiến dự án này sẽ hoàn tất vào năm 2010, trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngay sau đó, tổ hợp Riviera-CSK của Nhật cũng quyết định xây dựng khách sạn 5 sao với 550 phòng gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Công trình cao 9 tầng với số vốn 500 triệu USD này sẽ được khởi công cuối năm nay và hoàn thành năm 2010. Riviera và CSK đều là những đại gia trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, khách sạn, văn phòng tại Nhật. Sau khi được chấp thuận đầu tư, hai tập đoàn này hăng hái cam kết nộp tiền thuê đất trong 50 năm ngay một lần, ước tính khoảng 17 triệu USD, sau khi ký hợp đồng thuê đất.
Trước đó, tháng 12/2006, tập đoàn Charmvit của Hàn Quốc cũng đã nhận giấy phép đầu tư khách sạn tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng với tổng vốn 80 triệu USD. Dự án này sẽ khởi công trước tháng 7/2007 và hoàn thành vào năm 2009.
Tại khu vực miền Trung, mới đây, tập đoàn Banyan Tree của Singapore đã nhận giấy phép đầu tư 276 triệu USD xây dựng khách sạn 5 sao, nhà hàng và sân golf tại khu kinh tế Chân Mây, Thừa Thiên - Huế trong thời hạn 50 năm.
Một tập đoàn của Mỹ cũng vừa bỏ ra 110 triệu USD xây khách sạn và khu du lịch tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Cùng với đó, British Virgin Island rót 16,5 triệu USD vào Bình Thuận trong khi một công ty khác của Mỹ cũng vừa quyết định đầu tư 2,2 triệu USD vào khách sạn tại Côn Đảo, Vũng Tàu.
Tại TP HCM, mới đây VinaCapital bỏ ra 16,5 triệu USD mua lại hơn 52% cổ phần của Omni Saigon Hotel với 249 phòng. Theo quỹ đầu tư này, thị trường du lịch sôi động tại TP HCM đang là tâm điểm của các nhà đầu tư khách sạn khi lượng khách tới thành phố đã tăng gấp 7 lần so với trước đây.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu năm 2007, lượng vốn FDI đổ vào khách sạn, du lịch đạt 406 triệu USD, chiếm 1/5 tổng vốn được cấp mới (2,07 tỷ USD).
Các nhà đầu tư thận trọng
Hiện Hà Nội có 8 khách sạn 5 sao với 2.360 phòng, 6 khách sạn 4 sao với trên 1.000 phòng. Và những điểm lưu trú này luôn trong tình trạng kín khách. Tỷ lệ thuê phòng tại Daewoo luôn đạt trên 80%, trong khi tại Melia, con số này lên tới 95%.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, dự kiến đến năm 2010, Hà Nội sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và thành phố sẽ cần khoảng 26.000 phòng từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 7.000 phòng 4-5 sao. Trong khi đó, với các dự án mới được cấp phép và chấp thuận đầu tư gần đây, đến năm 2010, Hà Nội mới có thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn cao cấp.
Ông Cao Thanh Bình, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân tại Hà Nội, nhận định, sau việc Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam, khiến nhu cầu khách sạn, văn phòng tăng lên nhanh chóng và còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Năm 1997, khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, nhiều dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng được đầu tư ồ ạt trước đó trở nên đình trệ, thậm chí bỏ dở đến tận nay. Theo ông Bình, các chủ đầu tư nước ngoài hiện rất thận trọng trong việc quyết định đầu tư vào các dự án khách sạn. Đồng thời, ông Bình cho rằng, với việc kinh tế Việt Nam dần mở theo những cam kết WTO, việc tăng trưởng ổn định, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục làm lợi cho các nhà đầu tư khách sạn.
Ông Omkar Shrestha, Phó giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cũng cho rằng, những nguy cơ với thị trường bất động sản nói chung và mảng đầu tư khách sạn cao cấp tại Việt Nam như trước đây khó xảy ra. "Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và việc đầu tư loại dịch vụ này chưa ồ ạt, vì thế đây vẫn là khu vực nhiều tiềm năng", ông Shrestha cho hay.
Ngọc Châu