Theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, mức lợi nhuận 8-12% mà các nhà đầu tư đưa ra là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.
Đưa ra cam kết lợi nhuận 8-12% là không tưởng
Đó là nhận định được ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation đưa ra tại Diễn đàn bất động sản (BĐS) du lịch biển Việt Nam 2018 diễn ra ngày 4/8. Theo ông, mức lợi nhuận đầu tư 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra mức cam kết như vậy.
Cụ thể, ông Michael Piro cho rằng: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. Các nhà đầu tư và người mua nước ngoài đã bắt đầu cảm nhận được rõ những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao và bắt đầu từ chối các giao dịch trên cơ sở này”.
|
Việc đưa ra cam kết lợi nhuận cao sẽ giúp các chủ đầu tư dễ bán hàng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa. |
Ông Michael Piro cho rằng, các nhà phát triển BĐS du lịch cần quan tâm đến uy tín như việc tham gia của các đơn vị quản lý tầm quốc tế thay vì đưa ra mức lợi nhuận cam kết. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự minh bạch khi làm việc với người mua.
Khi nói về vấn đề cam kết lợi nhuận trong việc thu hút nhà đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện được cam kết lợi nhuận.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh: “Thật ra không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề về cam kết lợi nhuận. Đã có một số chủ đầu tư không thể thực hiện được lời hứa về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Lợi nhuận hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận quá cao, lên tới 12 – 15% là quá khó khăn. Không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao. Lợi nhuận của condotel và du lịch biển chủ yếu từ khách thuê phòng.
Chúng ta nên đưa ra cảnh báo. Thứ nhất là quy định pháp luật, để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Nhưng tham gia đầu tư cũng là quyền lợi của khách hàng, đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro. Lợi nhuận càng nhiều thì rủi ro càng lớn”.
Tạm dừng chấp thuận dự án condotel tránh tranh chấp
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong năm 2017, cả nước có tới 12.500 sản phẩm condotel giao dịch thành công theo thống kê chưa đầy đủ. Có không ít công trình condotel hiện đại, quy mô tầm quốc tế, có thể trở thành “đòn bẩy” cho cả thị trường BĐS.
Tuy nhiên, sang năm 2018, thị trường condotel đã bắt đầu chững lại, khách hàng cũng khó tính hơn. Theo số liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường, riêng trong quý II/2018, toàn thị trường tung ra 2.100 căn nhưng số căn tiêu thụ chỉ đạt 850 căn, dẫn đến số lượng tồn kho tăng vọt lên ngất ngưởng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), condotel là loại hình mới, có tốc độ phát triển nhanh ở nước ta nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà quản lý. Vấn đề nổi cộm nhất đối với loại hình condotel là tính pháp lý.
Ông Khởi cho rằng, đến thời điểm này cần thống nhất và không cần bàn cãi vễ việc condotel không phải là nhà ở. Đây vốn là loại hình BĐS du lịch nhưng lại có một phần lưu trú nên dẫn đến vấn đề thiếu vắng một số cơ sở pháp lý. Điều này dẫn đến một số tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư cũng như phát sinh một số thắc mắc của chủ đầu tư với cơ quản quản lý như việc cấp sổ đỏ, sổ hồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, nếu là nhà ở thì được sử dụng ổn định lâu dài, còn condotel có yếu tố cơ sở lưu trú nên chưa được phép. Ngoài ra, các vấn đề như quy chuẩn xây dựng, thời hạn cho phép, quy chế vận hành, nghĩa vụ tài chính… của condotel cũng cần được tính toán.
Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các vướng mắc này. Ông Khởi cho biết: “Trong thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 sẽ ban hành văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý condotel. Hiện, một số địa phương đã tạm dừng chấp thuận dự án condotel, lý do không phải không cho phép mà để tránh những tranh chấp”.