Hầu hết các nhà đầu tư đi vay từ ngân hàng để mua chung cư dưới dạng cả sàn. Không vay được thêm tiền để đóng tiếp hoặc đến hạn phải trả tiền vay, thanh khoản lại chậm, nhà đầu tư buộc phải hạ giá để cắt lỗ
Giảm giá tới 78.000 USD song rao bán suốt nửa năm, căn hộ Keangnam của chị Ngọc Quỳnh (Hà Nội) vẫn không có khách hỏi mua. Cách đây 3 năm, chị phải chen chúc mới giành được suất mua này.
Mua hai căn hộ tháp B Keangnam từ cách đây hơn 3 năm với giá gốc 2.900 USD mỗi m2 song nay thị trường ế ẩm khiến chị Ngọc Quỳnh rơi vào cảnh sống dở chết dở. Sẵn sàng bán thấp hơn giá gốc 500 USD mỗi m2 song rao bán suốt từ năm ngoái đến nay, chị cũng vẫn chưa kiếm được khách. Chị nhớ lại, vào thời điểm Keangnam mới tung hàng, chị phải chen chúc nhau mới mua được thì nay, đại hạ giá, căn hộ vẫn... ế sưng.
"Căn hộ hướng đông nam, thoáng mát rộng156 m2 chấp nhận bán thấp hơn giá gốc 78.000 USD mà cũng vẫn không có người mua", chị than. Trong trường hợp không bán được, chị đã tính đến phương án cho thuê lại, sẵn sàng chấp nhận thu hồi vốn chậm.
Không chỉ riêng Keangnam mà hàng loạt căn hộ cao cấp cũng buộc phải bán giá chênh thấp, thậm chí chấp nhận lỗ để thu tiền về. Điển hình trong đó phải kể đến Sky City (Láng Hạ) trước bán tới 2.600-2.700 USD mỗi m2 thì nay cũng chỉ hạ xuống còn 2.300-2.400 USD mỗi m2. Chung cư Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng) được chào bán trên thị trường hồi năm ngoái với giá trung bình khoảng trên dưới 40 triệu đồng thì nay chỉ còn hạ nhiệt từ 34-36 triệu đồng mỗi m2. Tương tự, Indochina Plaza (Xuân Thủy) cũng hạ nhiệt chỉ còn 2.550 USD mỗi m2, giảm hơn 400 đôla so với giá gốc.
Anh Trung Dũng, đại diện một sàn giao dịch ở Hà Đông cho hay, không chỉ căn hộ cao cấp mà ngay cả biệt thự, liền kề cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Trước đây, một loạt biệt thự Bắc An Khánh giai đoạn 1 chênh đến 8-9 tỷ đồng thì nay chỉ còn khoảng 4-5 tỷ đồng. Park City đã xây thô cũng giảm tiền chênh tới hơn 1 tỷ đồng mỗi lô. Anh Dũng cho biết, ngoại trừ một số căn hộ giá rẻ lác đác có khách hỏi mua, còn đa số căn hộ hạng sang đều rơi vào cảnh ế ẩm. "Nhiều khách hàng chấp nhận bán lỗ thấp hơn giá gốc 4-5 triệu đồng mỗi m2 nhưng cũng không có khách ngó ngàng", ông Dũng chia sẻ.
Anh Minh Vũ, một nhà đầu tư cho hay, trong bối cảnh như hiện nay, sẽ rất ít người dám mạo hiểm ôm cả lố căn hộ cao cấp như trước. Bản thân anh đã từng mua cả sàn tại một chung cư cao cấp ở khu vực Mỹ Đình song đến nay đang sống dở chết dở vì không bán được. "Ký gửi ở hàng loạt sàn nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín, chưa có môi giới nào phản hồi bán được hàng", anh Vũ than.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty Bất động sản B.D.S cho rằng, do tình trạng đẩy giá của nhiều nhà đầu tư nên bất động sản tại Hà Nội có giá cao gấp nhiều lần so với khả năng chi trả của người có nhu cầu thực. Khi tín dụng ngân hàng bị thắt chặt, phân khúc cao cấp, có giá gấp 3-4 lần căn hộ bình dân sẽ "lãnh đủ". Mặc dù giảm giá tới hàng chục nghìn đôla, song mỗi căn hộ được gọi là hạng sang vẫn lên tới hàng trăm nghìn đô, một cái giá vẫn còn quá cao so với giá trị thực nên đại đa số khách hàng sẽ không đủ tiền mua.
"Hầu hết các nhà đầu tư đi vay từ ngân hàng để mua chung cư dưới dạng cả sàn. Không vay được thêm tiền để đóng tiếp hoặc đến hạn phải trả tiền vay, thanh khoản lại chậm, nhà đầu tư buộc phải hạ giá để cắt lỗ", ông Trường nói.
Mới đây, thị trường địa ốc Hà Nội lại xôn xao về việc xuất hiện siêu dự án lên tới 100 triệu đồng mỗi m2. Một số chuyên gia lo ngại dự án này có khả năng đi theo vết xe đổ của các dự án tiền bối và khả năng địa ốc Hà Nội sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp.
Bộ Xây dựng cũng nhận định, trong vài năm qua, sơn sốt nhà đất cùng với những khoản lợi nhuận kếch xù khiến nhà đầu tư đổ xô vào địa ốc làm giá cả bị đẩy cao trong khi giá nhà chung cư bình dân không có nhiều biến động, thì các loại căn hộ cao cấp giá trên 30 triệu đồng mỗi m2 có tốc độ giảm nhanh do nguồn cung có xu hướng bão hòa.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cho hay, do áp lực thu hồi vốn sớm, các dự án đã chào bán sẽ còn tiếp tục phải giảm giá trong năm nay. Chủ đầu tư sẽ buộc phải giảm lợi nhuận kỳ vọng từ 15-25% trong bối cảnh địa ốc còn khó khăn. Trong năm 2012, địa ốc Hà Nội sẽ có nhu cầu thực cho các sản phẩm có giá dưới 21 triệu đồng mỗi m2.
(Theo VnExpress)