Nhà nước đã có nhiều chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhà ở ngày càng cao của người dân. Bên cạnh những dự án đạt tiến độ, chuẩn chất lượng thì vẫn còn nhiều dự án bị "ngâm".
Nhiều chuyên gia lo ngại, hiện tượng chủ đầu tư "ngâm" đất nhà ở xã hội như trên không phải do thiếu vốn hoặc gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, mà đó là hình thức đầu cơ của nhà đầu tư chờ thị trường ấm lên mới bung hàng.
Sau khi triển khai tiếp giai đoạn 2 dự án nhà ở xã hội Chèm - Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm,
Hà Nội) chủ đầu tư “ngồi chơi” vì hết đất làm nhà ở xã hội.
Đất làm nhà ở xã hội đã cạn
Theo Nghị định Phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng quy định, dự án khu đô thị phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Nhưng thực tế, nhiều chủ đầu tư đã vi phạm quy định, dẫn đến tình trạng không còn quỹ đất ở những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho người dân Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, có 66 dự án phát triển nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa cao. Cụ thể, năm 2013, Hà Nội mới có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong năm 2014 sẽ có thêm 3 dự án hoàn thành với trên 115.000 m2 sàn xây dựng.
Nếu theo quy định về xây dựng nhà ở xã hội thì, nhà ở cho người nghèo đô thị không thể đẩy xa trung tâm. Đồng thời, dự án phải có hạ tầng kỹ thuật, kết nối với xung quanh mới đảm bảo môi trường sống và sự công bằng cho người có thu nhập thấp. Nếu chủ đầu tư làm đúng theo quy định sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội ở trung tâm và được kết nối với hạ tầng có sẵn như khu Giang Biên (Việt Hưng, Long Biên), Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Nhưng thực tế những dự án nhà ở xã hội như thế là không nhiều.
Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đã đưa vào sử dụng hơn 2.000 căn hộ và chuẩn bị bàn giao hơn 1.000 căn hộ giai đoạn 3 (thừa nhà ở xã hội so với quy định về quỹ đất 20%). “Lần đầu tiên chúng tôi làm nhà ở xã hội còn nhiều bỡ ngỡ, có những cái làm tốt, cái chưa. Tới giai đoạn 2 chúng tôi rút kinh nghiệm. Giai đoạn 3, chúng tôi làm nhanh và tốt hơn. Đến khi có đủ khả năng làm thì hết đất, hết dự án”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Viglacera chia sẻ.
Theo ông Tuấn, quy định 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại khu đô thị trên 10ha là ít. Bởi nhu cầu về nhà ở xã hội đang rất lớn, giá nhà phù hợp với thu nhập của đa số người nghèo đô thị. “Hiện, nằm ngay sát cạnh khu đô thị Đặng Xá là khu đất trống đằng sau Nhà thi đấu Gia Lâm. Nếu được bố trí đất, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nhà ở xã hội để kết nối với hạ tầng đã có sẵn tại đây”, ông Tuấn cho biết.
Cũng chung tình trạng hết đất xây dựng như trên, ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai, đơn vị có kinh nghiệm làm 2 dự án nhà thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) và Kiến Hưng (Hà Đông) cho biết, doanh nghiệp này rất tâm huyết với nhà ở xã hội nhưng do không có quỹ đất nên họ cũng đành chịu.
Ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Chèm – Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) cũng cho hay, sau khi triển khai tiếp gần 1.000 căn giai đoạn 2 tại đây thì doanh nghiệp… hết đất để làm tiếp. Chúng tôi có sẵn nguồn lực, tài chính nhưng nếu không có đất tại vị trí phù hợp thì không thể triển khai tiếp dự án”, ông Đạt nói.
Điều chỉnh lại các dự án nhà ở xã hội không khả thi
Ngành xây dựng của nước ta đang diễn ra một thực tế trái chiều, trong khhi chủ đầu tư có tiềm lực thực hiện tốt các dự án phải khoanh tay đứng nhìn vì hết đất, thì vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại đã xin chuyển sang nhà ở xã hội trong cảnh chậm triển khai.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết quý I/2014, Hà Nội có 18 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với khoảng 11.292 căn hộ. 9 dự án đã được chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi. Nhưng đến nay mới có 4 dự án cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội. Trong đó, có 3 dự án chuyển đổi có tiến độ chậm như: Dự án 143 Trần Phú - Hà Đông; Dự án AZ Thăng Long - Hoài Đức; Dự án 30 Phạm Văn Đồng - Cầu Giấy.
Các chủ đầu tư sau khi được phép chuyển đổi dự án đã nhận được rất nhiều ưu đãi như: Được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay vốn ưu đãi..., nhưng dự án vẫn "nằm im bất động", không cho thấy sự biến chuyển gì so với trước khi chuyển đổi. Theo sự phân tích của ông Nguyễn Trường Tín, chuyên gia BĐS, do năng lực của các doanh nghiệp còn yếu kém nên dẫn đến các dự án khó được hồi sinh.
Song, ông cũng không loại trừ khả năng đây chính là chiêu trò "găm" đất kiếm lời của chủ đầu tư. "Không ngoại trừ khả năng đây là chiêu giữ đất để lúc thị trường ấm lên lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời", ông Tín cho hay.
Để giải quyết những tồn đọng trên, mới đây, tại cuộc họp với Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ triển khai dự án. Chủ đầu tư nào không làm tốt sẽ xem xét thu hồi. “Sẽ phải thu hồi 1 – 2 dự án để doanh nghiệp thấy Hà Nội “nói là làm”, chứ không phải nói rồi để đấy. Hà Nội sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các khẩu, đặc biệt sẽ tập trung thẩm định về mặt tiến độ, tránh tình trạng doanh nghiệp lòng vòng “câu giờ” để kéo dài tiến độ”, ông Tuấn tuyên bố.