Gần đây, các chính sách về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân đã được Nhà nước và cơ quan chức năng điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề về nhà ở cho người lao động vẫn còn là bài toán khó cho các doanh nghiệp.
Xây nhà ở cho công nhân vì trách nhiệm hơn lợi nhuận
Tại các hội thảo, diễn đàn bàn về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân (CN), không ít nhà đầu tư bộc bạch tâm lý lo ngại về vốn đầu tư, thuế không được ưu đãi, thu hồi vốn chậm, ít lợi nhuận ....
Nhằm giảm tải bớt các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN), Nhà nước đã có nhiều chính sách thông thoáng hơn về lĩnh vực này, song các chủ đầu tư vẫn không mấy mặn mà với các dự án nhà ở xã hội này.
Bởi thực tế "muốn xây dựng một khu nhà ở cho CN, DN phải tốn kém hàng chục tỉ đồng. Vậy mà khi cho CN thuê, chỉ thu lắt nhắt 1-2 trăm ngàn đồng/tháng/CN. Phải tới vài chục năm, DN may ra mới thu hồi được vốn đầu tư. Chưa nói, hầu hết các KCN hiện nay chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho CN. Việc quy hoạch xây dựng và phát triển, cũng như quản lý các dự án nhà ở CN còn nhiều khó khăn, chưa rõ mô hình quản lý để thực hiện trách nhiệm với các công trình xã hội - phúc lợi - công cộng", ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho hay.
Một chủ doanh nghiệp cho biết, nếu không vì trách nhiệm xã hội đối với người lao động (NLĐ), chắc chắn không DN nào đầu tư xây nhà ở cho CN. Bởi lẽ, các dự án này không mang lại lợi nhuận, họ phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ đồng đầu tư để chỉ đi lượm lại từng đồng tiền xu, chẳng ai dại gì mà làm như vậy cả.
Tại KCN Đồng An 1 (thị xã Dĩ An, Bình Dương), Công ty CP Hưng Thịnh đã đầu tư 45 tỉ đồng xây 7 block chung cư cho CN thuê và mua trả góp. "Nhưng chúng tôi không đặt ra thời gian thu lãi, thu hồi vốn; trái lại, chấp nhận việc đầu tư đó như là làm tròn trách nhiệm xã hội, chấp nhận chịu lỗ để tạo điều kiện cho NLĐ có được chốn nương thân, yên tâm làm việc. Chỉ như vậy, DN mới vượt qua sự ngán ngại, mới xây được nhà ở cho CN", ông Đỗ Cao Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh nói .
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Thái Bình (Bình Dương): "Xây nhà ở cho CN - điều rất ý nghĩa cho xã hội hơn là vì lợi nhuận. Thế nhưng, thời gian qua, chẳng DN nào có được ưu đãi gì về miễn giảm thuế, ưu tiên giao đất hay ưu tiên vay vốn…
Vì thế, DN nào lao vào đầu tư, xây nhà ở CN, một khi rủi ro phát sinh, DN cầm chắc phá sản mà không hề được sự bảo hộ, hỗ trợ của bất kỳ cơ quan ban ngành nào… Trái lại, khi xây dựng nhà ở cho CN thuê, DN còn phải đóng thêm phí dịch vụ nhà ở 6%, phải nộp đầy đủ các loại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế doanh thu xây dựng v.v…".
|
Một dự án nhà ở xã hội dành cho CN thu nhập thấp ở tỉnh Bình Dương. |
Chính sách phát triển nhà ở cho CN cần thiết phải được sửa đổi và bổ sung
Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch phát triển các KCN ở VN đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì năm 2015, tổng số CNLĐ tại các KCN khoảng 6.3 triệu người và đến năm 2020 khoảng 7.2 triệu người. Song, trên thực tế hiện nay, nhà ở dành cho CN mới đáp ứng 20%, vẫn còn 80% tổng số NLĐ làm việc tại các KCN không có nhà ở, phải ở trọ trong những căn nhà người dân xây dựng chật chội, không đạt chuẩn v.v…
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở CN trên cả nước đến năm 2015, với khoảng 2.6 triệu NLĐ cần khoảng 21.2 triệu mét vuông nhà ở; năm 2020 là 4.2 triệu NLĐ cần 33.6 triệu mét vuông nhà ở. Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện TPHCM có 3 KCX và 10 KCN, với 2 triệu NLĐ. Trong đó, có 1.3 triệu NLĐ là người ngoại tỉnh, thì 50% số này đang cần nhà ở ổn định. Vậy mà những năm qua, TPHCM cũng chỉ xây dựng được 1.3 triệu mét vuông nhà ở, đáp ứng được 455.000 CN có được chỗ ở.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM (ngành có nhiều NLĐ ngoại tỉnh) cho rằng: "Chính sách phát triển nhà ở cho CN cần thiết phải được sửa đổi và bổ sung. Hiện chính sách này, mới chỉ dành cho DN; như vậy là thiếu công bằng, khi chưa đề cập đến những nhà đầu tư là người dân xung quanh KCN, hiện đã đầu tư xây dựng và cung cấp nhà ở cho 80% số NLĐ tại các KCN thuê, để họ nâng cấp, cải tạo nhà cho thuê, nhằm cải thiện điều kiện sống của NLĐ và góp phần giảm giá nhà cho thuê".
Mới đây, phát biểu về tình hình phát triển nhà ở cho CN vào ngày 9.9.2014, ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - phát biểu: "Chúng ta không làm được nhà cho CN thuê, thì cớ sao chê người dân xây phòng trọ cho CN thuê ? Chỉ có điều ta chưa bằng lòng về chất lượng của những căn phòng trọ này. Vậy muốn người dân làm nhà với quy chuẩn chất lượng tốt hơn, cao hơn thì chúng ta phải hỗ trợ họ".
Trên thực tế, Luật Nhà ở khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển quỹ nhà ở xã hội. Thế nhưng, việc phát triển nhà ở cho CN thuê, thuê mua chưa đạt nhiều kết quả. Lý do là cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tín dụng, thuế…; nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư.
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho hay: "Thực ra nhà ở CN đã được xã hội hóa từ lâu. Do không có sự can dự của Nhà nước, nên chủ đầu tư thường tận dụng các diện tích đất chật hẹp để xây nhà trọ cho CN thuê với giá phù hợp. Phần lớn CN đang sống trong những nhà trọ như vậy, nhưng các nhà làm chính sách lại không quan tâm cải thiện thực trạng này. Thay vào đó, họ chỉ muốn làm cuộc "cách mạng" về nhà ở, đưa CN vào những chung cư kiên cố có chiều cao không quá 6 tầng, diện tích 30-60m2 mà thôi. Quy định cứng nhắc ở Điều 47 - Luật Nhà ở như thế là điều bất cập".
Chính vì vậy, thực tế xã hội đang rất cần một chính sách thông thoáng, mở rộng cho đối tượng ưu đãi, hỗ trợ về thuế cho người dân hiện đang có nhà trọ cho CN thuê và tham gia xây dựng nhà ở cho NLĐ tại các địa bàn có KCN.