Bỏ tiền tỷ mua hộ cao cấp song tới khi nhận nhà, người mua mới té ngửa là nhà… bình dân. Hóa ra “căn hộ cao cấp” chỉ là cái mác chủ đầu tư gắn vào cho oai và để dễ bán hàng.
Bỏ tiền tỷ mua hộ cao cấp song tới khi nhận nhà, người mua mới té ngửa là nhà… bình dân. Hóa ra “căn hộ cao cấp” chỉ là cái mác chủ đầu tư gắn vào cho oai và để dễ bán hàng.
Chuyện chi vài tỷ đồng mua căn hộ cao cấp để rồi rước lấy sự bực mình, thậm chí là tranh chấp, kiện tụng vì chất lượng, hiện nay không phải là hiếm. Điều đáng nói là một khi đã trót ký vào hợp đồng mua nhà, dù có không hài lòng với chất lượng, người mua rốt cuộc cũng phải nhận, bởi pháp luật chưa có chế tài xử lý đối với những mánh khóe tinh vi dạng này.
Cao cấp là bị… bắt chẹt
Vài năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của mỹ danh “căn hộ cao cấp”, những lời ta thán về chuyện mua cao cấp, nhận nhà bình dân ngày càng nhiều. Không ít tòa nhà danh tiếng ở Hà Nội đã trở thành… “tai tiếng” vì bị các cư dân phàn nàn về chất lượng nhà, các thiết bị nội thất hay dịch vụ... Tại một trong những tòa “chung cư cao cấp” hoàn thành khá sớm ở Hà Nội trên phố Láng Hạ, anh Hưng, người đang cho thuê căn hộ “cao cấp” của mình làm văn phòng cho biết, anh đã phải chi hơn 200 triệu đồng để thay toàn bộ các thiết bị trong nhà từ đèn chiếu sáng đến thiết bị vệ sinh, thậm chí là cả tay nắm cửa. Trong quá trình sử dụng, anh luôn phải đối mặt với tình trạng tắc, vỡ ống nước, nền nhà nứt vỡ. “Chuyện sơn tường bong tróc, nham nhở là chuyện thường ngày. Ai có thể công nhận chất lượng kiểu ấy là cao cấp?” - anh Hưng chua chát. Cùng ở tòa nhà này, một khách hàng ở tầng 15 phàn nàn: “Cao cấp ở đâu? Vật liệu, thiết bị nội thất bị cong vênh. Đèn cái sáng cái tắt. Chỗ để xe không có. Khi thiết kế căn hộ không bàn với khách hàng nên khi tới ở muốn lắp thêm điều hòa không khí cũng rất khó. Chẳng nhẽ “đi” dây nổi trong căn hộ trị giá gần 3 tỷ đồng?”.
Nội thất tàng tàng, thôi thì cắn răng chi thêm tiền để nâng cấp, song cư dân nhiều tòa cao ốc “cao cấp” còn phải gánh chịu sự bực mình từ chất lượng dịch vụ… dưới cả mức bình dân! Bãi gửi xe thường bừa bộn và thiếu chỗ. Tòa nhà có trên 150 căn hộ nhưng khu để ôtô chỉ chứa được khoảng 70 - 80 chiếc. Chỉ khổ cho những người tới sau phải đưa xe đi gửi cách xa cả cây số. Một số nơi còn buộc người mua nhà chỉ được lắp đặt truyền hình cáp của một hãng. Đương nhiên, hãng này đã có “làm việc” trước với chủ đầu tư. Oái oăm nữa là dù văn phòng cho thuê hay hộ độc thân, nếu muốn được lắp đặt phải chọn gói cước từ hai tivi trở lên, không được chọn gói cước một tivi. Không chỉ bị áp đặt những dịch vụ như điện thoại cố định, Internet mà cả… nước tinh khiết, nếu không mua của hãng do ban quản lý tòa nhà giới thiệu, thì gia chủ chỉ có cách là tự xuống mà bê lên!
Không chỉ đơn thư, khiếu nại, nhiều khách hàng từng đưa những vụ việc “mua cao cấp hóa bình dân” ra tòa. Tuy nhiên, trong đại đa số trường hợp, chủ đầu tư chẳng hề hấn gì!
“Chết” vì quen mua trên giấy
Lý giải chuyện “bút sa gà chết” của các khách hàng “cao cấp”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, ngay cả ở các nước phát triển, mua nhà vẫn là một việc đại sự. Người ta phải thuê tư vấn có chuyên môn để đảm bảo giá hợp lý và pháp lý đầy đủ, còn người dân Việt Nam đi mua “chung cư cao cấp” gần như 100% còn chưa biết hình dáng nó thế nào. Đa số mua khi nhà mới ở trên bản vẽ, vài năm sau mới được nhận nhà nên chuyện mua hớ cũng là điều dễ hiểu.
Liên quan tới chuyện nhà cao cấp - thấp cấp, Bộ Xây dựng đã có hẳn một Thông tư để phân định. Theo quy định hiện hành, chung cư cao cấp là hạng có chất lượng sử dụng cao nhất; đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; chất lượng hoàn thiện, trang thiết bị và điều kiện cung cấp dịch vụ quản lý sử dụng đạt mức độ hoàn hảo. Diện tích căn hộ không nhỏ hơn 70m2; diện tích phòng ngủ chính lớn hơn 20m2. Các phòng đều phải đảm bảo thông gió, chiếu sáng. Thiết bị tối thiểu gồm chậu rửa mặt, bồn cầu, thiết bị vệ sinh phụ nữ, vòi tắm hoa sen, bồn tắm nằm hoặc đứng. Thông tư quy định chi tiết tới mức, “các thiết bị cấp nước có hai đường nước nóng và nước lạnh; có hệ thống camera kiểm soát trong các sảnh, hành lang, cầu thang, có nhân viên bảo vệ tại các lối ra vào 24/24 giờ trong ngày...”. Ngoài ra, chung cư cao cấp phải có hạ tầng xã hội đồng bộ với chất lượng cao, có đầy đủ các công trình (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cơ sở, văn hóa thông tin, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, không gian dạo chơi, thư giãn...) trong bán kính 500m cũng như có khu vui chơi giải trí ngoài trời rộng rãi, sân vườn, đường dạo được thiết kế đẹp.
Chưa bịt được kẽ hở
Tiêu chí đánh giá đã có, song quyền lợi của người mua cũng không được bảo đảm nếu chính họ vẫn đặt bút ký vào những bản hợp đồng soạn sẵn với vô vàn điều khoản bất lợi. Các chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn luôn là thứ khuyến khích áp dụng mà không bắt buộc. Thế nên, một là người mua phải tỉnh táo. Hai là đành trông chờ sự tự giác của... chủ đầu tư! Các dự án phát triển nhà ở, căn hộ chung cư đều phải xây dựng nhà mẫu. Đây là cách bán hàng chuyên nghiệp, giúp người mua hàng có thể định lượng được chất lượng căn hộ cũng như chất lượng dịch vụ của sản phẩm mà họ sẽ mua.
Ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết, luật pháp hiện hành quy định, tất cả nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng phải có Giấy chứng nhận chất lượng phù hợp do một đơn vị tư vấn độc lập cấp nhưng rất ít chủ đầu tư các khu chung cư làm việc này và người mua nhà chung cư thì do đang ở thế bất lợi (cung không đủ cầu) nên cũng không đòi hỏi chủ đầu tư phải làm việc này.
Do chính quyền hiện nay không tài nào quản hết được chất lượng những khu nhà ở thương mại nên người mua nhà phải tự tìm cách đánh giá chất lượng hoàn thiện và công năng sử dụng của nó. Ông Trần Chủng khuyên: “Nhất thiết khi mua nhà phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ công trình, bao gồm chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn và đặc biệt là chứng nhận phù hợp chất lượng về hoàn thiện.”
(Theo Doanh nhân)