Dư dật ít vốn sau một năm lao động, kinh doanh, nhiều người lại tự hỏi không biết nên cất tiền vào kênh nào an toàn, có lợi nhất? Và bất động sản lại được nhiều người nghĩ đến đầu tiên.
Dư dật ít vốn sau một năm lao động, kinh doanh, nhiều người lại tự hỏi không biết nên cất tiền vào kênh nào an toàn, có lợi nhất? Và bất động sản lại được nhiều người nghĩ đến đầu tiên.
Băn khoăn chung
"Những ngày vừa qua, chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu trợ giúp của các hội viên có tiền gửi tiết kiệm hoặc nguồn tiền kiều hối nhưng hoang mang không biết đầu tư vào kênh nào tin cậy" - ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội chia sẻ.
Đây rõ ràng không chỉ là băn khoăn của một nhóm hội viên câu lạc bộ, mà là sự căn cơ, tính toán của số đông những người có tiền nhàn rỗi ở Hà Nội nói riêng, nhất là trong bối cảnh tiền đồng mất giá, lãi suất tiền gửi chạy đua phổ biến ở mức 14-16%, các kênh đầu tư như vàng vẫn lừng khừng ở mức giá cao, chứng khoán được cho vừa đạt "đỉnh" trên 490 điểm, còn nhà đất có vẻ ngoài khá "tĩnh".
Phải nói thêm rằng, theo quy luật cuối năm, gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn đang được các khách hàng cá nhân, đặc biệt là giới đầu tư rất quan tâm, bởi tâm lý bảo toàn đồng vốn trong giai đoạn sau khi rút tiền ra khỏi các kênh đầu tư và trước khi có kế hoạch sử dụng vào năm sau.
Hơn nữa, những ngày đầu tháng 12, lãi suất tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng cũng có sự đua tăng đột biến khiến nhiều người phải cân đong, thắc thỏm chọn lựa.
Trên nhiều diễn đàn, chủ đề lãi suất gia tăng, có nên gửi tiết kiệm hay nên chọn kỳ hạn nào... thu hút được sự tham gia bàn luận sôi nổi. Thành viên một diễn đàn tên N.Q.H chia sẻ, có 3 tỷ đồng dành dụm được để lên đời "con xế còi" nhưng với tình hình lãi suất hiện nay, anh lại muốn gửi tiết kiệm. Tính ra mỗi tháng cũng có ba bốn chục triệu tiền lãi.
Nhưng dưới con mắt của các thành viên khác, với số tiền như vậy không nên "an phận", trông chờ bởi sự bất định của lãi suất tiền gửi lúc này. Nhiều người cho rằng vẫn sẽ trung thành giữ tiền trong những loại hình bảo toàn giá trị, hứa hẹn nhiều khả năng sinh lời hơn như nhà đất.
Trường hợp chị N.T.M, công chức có căn nhà 2,5 tầng rao bán ở khu vực Nhân Chính, quận Thanh Xuân là một ví dụ điển hình.
Chị M. cho biết, cách đây vài tháng đã có khách hàng suýt đặt cọc mua với giá 2,5 tỷ đồng nhưng đúng thời điểm giá vàng tăng dữ dội, chị xót ruột đành đánh tháo. Nay dù vẫn chưa hào hứng bán nhưng thấy hình hình giá cả, lạm phát căng thẳng, chị vẫn tiếp tục nâng giá lên 3 tỷ đồng, bất chấp một số phản hồi mức này "quá cao" so với căn nhà có diện tích đất sử dụng 30m2 của chị.
"Bán được giá 3 tỷ đồng xong chưa chắc mình đã mua lại được một cái nhà tương tự. Nếu lấy số tiền thu được mà đem gửi tiết kiệm, trông vào vài chục triệu mỗi tháng thì chỉ vài năm sau giá trị của khoản tiền cũng không còn được như cũ. Nhà đất ở Hà Nội ngày càng có giá, do vậy tôi vẫn mong giữ lại làm của riêng cho con cái" - chị tâm sự.
Tiền lớn, tiền nhỏ chạy vào đất
Nếu người dân bình thường có tâm lý "giữ của" như vậy thì những nhà đầu tư cá nhân lại càng đổ xô vào thị trường này. Trong lúc mảng căn hộ chung cư đang và dự báo sẽ có lượng cung hàng lớn, thị trường giao dịch kém sôi động, nhất là phân khúc trung và cao cấp thì đất ở vẫn được hầu hết giới kinh doanh từ nhỏ đến lớn dành quan tâm đặc biệt.
Đầu tư đất dự án khu vực phía Tây Hà Nội, nhất là dọc trục đường Lê Văn Lương đã được coi là cuộc chơi của giới nhà giàu không chỉ bởi mức giá liên tục cao ngất ngưởng mà còn bởi đặc điểm ôm giữ, không cần sang bán, chuyển nhượng của đa số đối tượng sở hữu.
Nhiều công ty môi giới bất động sản khu vực này ước đoán, phải đến 70% lượng hàng nằm trong tay các đối tượng "vứt tiền vào đất" như vậy, trong khi 30% sản phẩm được đem ra giao dịch thường xuyên thuộc về các nhà đầu tư kiểu "lướt sóng".
Khi nguồn cung tại các dư án có vị trí đẹp, chủ đầu tư có thương hiệu, khá khan hiếm, các dự án mới chưa ra hàng, ít lựa chọn thì hiện ghi nhận vẫn có sự tham gia chuyển dịch của một loạt nhà đầu tư từ lĩnh vực vàng, chứng khoán chuyển sang. Vì thế, trong bức tranh giao dịch chung có vẻ lặng sóng thì thị trường khu vực này vẫn tăng những bước giá nhỏ theo những lô đất được bán ra.
Những người trúng vàng tại Hà Nội thời gian qua là đối tượng đổ tiền vào đất phía Tây khá mạnh tay - nhân viên một công ty môi giới ở quận Cầu Giấy nhận xét.
Anh này kể, có một khách hàng nữ của công ty đầu tiên chuyển tiền vào mau đất ở khu Geleximco vì khu này có mức giá dễ chịu hơn so với các dự án ở đây. Thời gian ngắn sau, chị ta bán lô ở Geleximco, rót thêm vài tỷ đồng nữa để mau ở khu An Hưng với mức giá mắc hơn hẳn là 74 triệu đồng/m2. Hỏi ra mới biết, người này sở hữu 2 cửa hàng vàng trên phố lớn.
Chị N.H. có thâm niên đầu tư bất động sản ở Hà Đông chia sẻ, tâm lý chung của nhà đầu tư thời điểm này là giữ hàng và nếu có khả năng là mua thêm chứ ít khi "ôm" tiền mặt hay bán đi. Với chị giai đoạn này, săn đất nền giá tiền dưới 40 triệu đồng, diện tích vừa phải là lý tưởng hơn cả.
Quả vậy, không chịu nội độ nhiệt về giá tại khu phía Tây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm cách đón sóng ở những thị trường mới. Trong đó, chiều hướng chuyển dịch từ phía Tây sang phía Đông thành phố của giới đầu tư ngày càng rõ nét khi hạ tầng cầu đường ở đây ngày càng hoàn thiện, phát triển.
Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Minh - so sánh, giá đất khu vực phía Đông hiện dao động phổ biến ở mức 20 đến 40-50 triệu đồng/m2. Con số này khác hoàn toàn với mức 100-200 triệu/m2 ở khu vực nội thành vì thế, vị này đánh giá cơ hội đầu tư phía Đông tốt và tiềm năng.
"Đồng vốn bỏ ra vừa phải vẫn mang lại lợi nhuận, còn đối với khu vực nội đô thì vẫn có lợi nhưng người ta phải đầu tư một nguồn vốn rất lớn, như vậy tỷ suất lợi nhuận sẽ thấp đi" - ông Minh lý giải.
Giới chuyên môn cho rằng, trong 10-20 năm nữa, bất động sản nói chung và đất ở nói riêng vẫn là kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt. So với một số kênh đầu tư khác, nó không bị biến dạng hoặc bị vô hình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng khuyến cáo, nhà đầu tư không nên chạy theo phong trào, theo những người "vẽ quy hoạch" để đầu cơ chờ giá lên, mà phải đi sâu vào giá trị thật của sản phẩm.
(Theo Diễn đàn kinh tế)