Việc người Trung Quốc mua bất động sản (BĐS) ven biển Đà Nẵng đang nóng lên từng ngày. Tình trạng chuyển dịch nhà đất ven biển vẫn diễn ra bình thường, tuy các khâu giao dịch đã trở nên kín kẽ hơn trong khi các cơ quan thông tin đại chúng lên tiếng cảnh báo, và chính quyền thành phố đang tìm biện pháp xử lý thực trạng này.
Trong năm 2014, nhan nhản thông tin rao bán nhà đất trên bức tường của sân
bay Nước Mặn dọc đường Trường Sa đối diện resort Crown Plaza.
Người mua Trung Quốc "thổi giá"
Phóng viên đến thực tế tại một số vị trí ven biển rồi liên hệ với các “cò” đất đang giao dịch cùng những người dân đã bán và đang sở hữu đất ở khu vực này. Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi trong vai người mua đất ven biển đã đến các trung tâm mua bán BĐS dọc ven biển. Đáng chú ý là, phần lớn các dịch vụ mua bán đất ven biển được dựng lên từ những căn nhà tạm container. Đơn cử như dịch vụ BĐS L.H.H được dựng lên trên một căn nhà container dọc biển, sơn sửa trông như một căn nhà cấp 4. Ông chủ dịch vụ nhà đất tên H vội dò hỏi chúng tôi bằng một câu quen thuộc: “Anh mua cho khách Trung Quốc hay khách Hà Nội”. Có người bạn nhờ hỏi thông tin nên đi xem một số vị trí và giá cả rồi mới quyết định, tôi vội đáp. Khi được hỏi vì sao tôi là người Việt đi mua đất mà anh nói là mua cho khách Trung Quốc, môi giới này cho hay, hầu hết người mua ở đây là khách Trung Quốc và khách đến từ Thủ đô. Nhưng khi đứng tên sang sổ đỏ thì phải là người Việt Nam.
Dọc tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, dịch vụ nhà đất dựng lên bằng nhà
container.
Theo chia sẻ của ông H: "Đất ven biển trong thời gian qua rất nóng, có nhiều vị trí người mua hỏi liên tục song không có hàng để bán cho khách, trong đó khách Hà Nội mà phần lớn đứng sau là người Trung Quốc, có bao nhiêu họ cũng thương lượng để mua. Giá nhà đất được họ đẩy lên nhanh chóng từng giờ, từng ngày. Các lô đất dọc đường Hoàng Sa khu vực bãi tắm Mân Thái Sơn Trà, chủ đầu tư mở bán giá 17 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2013 thì đến đầu năm 2015 giá đã nhảy lên từ 23-28 triệu đồng/m2 và hiện giờ là 55-58 triệu đồng/m2 song vẫn không có ai bán. Dịch vụ của tôi hiện còn 2 lô do khách Hà Nội gửi bán nhưng giá cũng đến 58 triệu đồng/m2". Ông H chỉ tay vào lô đất nhà hàng B.M cho biết, khách Hà Nội mới mua lại lô đất này với giá 56 triệu đồng/m2. Một số khu vực như đối diện nhà hàng Mỹ Hạnh, hay 4U... mức giá đội lên cả trăm triệu đồng/m2 mà vẫn không có ai bán.
Chúng tôi đến dịch vụ nhà đất M.T trên đường Hoàng Sa gần khách sạn Crown từ ngã ba Hồ Xuân Hương vào đến Non Nước có 3 dịch vụ cùng có tên M.T). Chủ dịch vụ, ông T cho hay, khu vực này rao bán với giá 10-12 triệu đồng/m2 vào trước năm 2014 nhưng không ai mua thì bước sang năm 2014 đất ven biển lên giá ào ào, thậm chí cả những người làm dịch vụ như ông cũng không thể tin nổi. Môi giới như ông cũng khó làm ăn vì đưa khách đến đặc cọc mua họ nghe thông tin đất lên lại không chịu bán...
Bà Đ (đường Trần Phú, TP Đà Nẵng), năm 2014 lô đất của gia đình bà hơn 300m2 đối diện khu resort Crown Plaza đã bán cho một vị khách Hà Nội nhưng có người Trung Quốc đi cùng với giá là 23,5 triệu đồng/m2 (các năm trước rao bán 12 triệu đồng/m2 không ai đoái hoài). Đất ven biển bắt đầu sốt từ tháng 5/2014, nhất là sau khi có thông tin người Trung Quốc đổ xô đi mua đất tại khu vực này và giá đất cứ nhích lên hàng ngày, hàng giờ, nhất là đối với các lô nằm trước hoặc gần khu Crown Plaza bao nhiêu cũng bán được, bà Đ cho biết. Các giao dịch này thực ra là bán cho người Trung Quốc nhưng người đứng tên trong giấy tờ là người Việt. Trong kho ông N, một cán bộ của Tập đoàn VNPT cũng đã bán lô đất 310m2 đối diện với khu resort Crown với giá 24 triệu đồng/m2... Ông cho hay, đây là mức giá mà chính ông N cũng không ngờ đến tại thời điểm năm 2014...
Một vị khách phương Bắc đã mua khu đất ở với giá 56 triệu đồng/m2.
Người mua Trung Quốc đứng sau
Cả ông H và ông T nói trên đều tuyên bố là dân kinh doanh BĐS tại khu vực này gần 10 năm nay, đối với những lô đất dọc biển cạnh bờ bao sân bay Nước Mặn này thì chính ông làm mối giới khoảng 20 lô và ông T khẳng định, những lô đất trước Casino hầu hết đều thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Khi giao dịch, người Trung Quốc theo người Việt đến, sau đó cho người Việt đứng tên dưới dạng hình thức lập công ty cho người Việt đứng tên để tiện làm sổ. Ngay cả một số môi giới người Việt đứng ra môi giới cho giới buôn đi bán lại là người Trung Quốc. Thực tế “làn sóng” người Trung Quốc “lùng sục” mua đất ven biển trong thời gian qua đã rộ lên từ tháng 6-2014, ông T cho biết. Nhưng trong những ngày gần đây giao dịch ít hơn do có thông tin lực lượng chức năng kiểm tra.
Cò đất tên Hạnh (Hà Nội) đã thực hiện nhiều giao dịch với người Trung Quốc tại ven biển Đà Nẵng. Tuy ở Hà Nội nhưng môi giới này rất rành về bản đồ ven biển, đọc số lô thì ngay lập tức Hạnh biết ngay vị trí, diện tích và ra giá luôn. Đặt vấn đề bán lô đất ven biển gần Sân bay Nước Mặn thì môi giới này cho biết, trong thời gian qua người Trung Quốc liên tục săn lùng đất tại khu vực biển Đà Nẵng, nhất là gần resort Crown Plaza, giá cao cũng mua nhưng nay họ cũng dè chừng hơn. Đối với thủ tục sang tên cho khách mua Trung Quốc, Hạnh chia sẻ, người Trung Quốc đứng phía sau lập công ty thuê người Việt Nam làm giám đốc sau đó làm thủ tục đứng tên công ty. Người Trung Quốc mua theo nhóm, nay vẫn còn nhiều khách Trung Quốc đang cần mua đất tại khu vực ven biển Đà Nẵng nhưng giá bây giờ thấp hơn so với cách đây 1 tháng vì cơ quan chức năng Đà Nẵng kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn nên họ ngại vung tiền, Hạnh cho biết thêm. Anh nói: “Nếu anh muốn bán thì để em lưu số lô, điện thoại của anh chờ tình hình lắng xuống em sẽ báo cho anh”.
Giám đốc Sở TN &MT Đà Nẵng ông Nguyễn Điểu cho hay, trước sự việc người Trung Quốc đổ xô mua đất ven biển năm 2014 Sở đã có văn bản gửi các phòng đăng ký quyền sử dụng đất cũng như các phòng công chứng trên địa bàn xem xét kỹ các yếu tố hợp pháp để làm các thủ tục pháp lý sang tên chuyển nhượng. Theo ông Điểu, người Trung Quốc ồ ạt mua đất ven biển là có thật nhưng để phát hiện ngăn chặn là rất khó khăn, bởi hầu hết các giao dịch đều đứng tên người Việt. Mặc dù tình hình chưa đến mức phải báo động nhưng cần phải có biện pháp để đảm bảo mật độ người nước ngoài sở hữu đất và mật độ xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn ven biển Đà Nẵng.
Trong bản phân tích đánh giá thị trường BĐS Đà Nẵng năm 2014, cả 2 công ty nghiên cứu thị trường BĐS hàng đầu thế giới là CBRE và Savills đều đều nhận định: Không ít người mua từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Macau mà chủ yếu là người Trung Quốc quan tâm chú ý tới thị trường biệt thự nghỉ dưỡng và đất ven biển Đà Nẵng. Đặc biệt, họ quan tâm đến những BĐS ở vị trí đẹp, có xu hướng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực nhà ở, khách sạn và đưa ra dự báo sẽ có dòng vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc chảy vào BĐS Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong tương lai gần.
Theo Công an Nhân dân Online