Trong tháng 8/2021, cả nguồn cung chào bán lẫn nhu cầu tìm mua nhà đất tại Hà Nội và TP.HCM đều giảm mạnh. Tuy nhiên, giá chung cư ở cả hai thị trường này vẫn tiếp tục xu hướng tăng, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 8/2021 của chuyên trang Batdongsan.com.vn, bức tranh chung của thị trường khá ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặc dù nhu cầu giao dịch suy giảm nhưng giá chào bán nhà đất vẫn tiếp tục đi ngang và tăng cao ở một số phân khúc.
Nguồn cung và nhu cầu tìm mua giảm, giá chung cư vẫn tăng
Báo cáo thị trường của đơn vị này cho biết, so với tháng 7/2021, tổng lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản trên toàn quốc trong tháng 8 vừa qua giảm lần lượt 58% và 27%. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 75% và 39%.
Tại các tỉnh, thành phố có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, nguồn cung chào bán và mức độ quan tâm giảm mạnh nhất. Đơn cử, tổng lượng tin rao bán nhà đất tại thị trường Hà Nội giảm 68%, loại hình nhà chung cư giảm tới 70% về lượng sản phẩm chào bán, nhu cầu tìm mua giảm 43% so với tháng trước.
|
Lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản trong tháng 8/2021 đều giảm so với cùng kỳ cũng như so với tháng trước. Nguồn: Batdongsan.com.vn |
Tại TP.HCM, tổng lượng tin đăng chào bán bất động sản trong tháng 8/2021 giảm gần 59% so với tháng liền trước. Lượng tin rao bán chung cư, nhà mặt phố, nhà riêng giảm lần lượt 54% và 71%. So với tháng 7, nhu cầu tìm mua nhà đất giảm 17%, căn hộ giảm 23%, đất nền và thổ cư giảm 35%.
Mức giảm mạnh nhất về nguồn cung chào bán thuộc về căn hộ bình dân với mức giảm 58%, theo sau là chung cư trung cấp và cao cấp với mức giảm 49%. Giảm mạnh nhất về nhu cầu tìm mua trong loại hình căn hộ là phân khúc trung cấp, ghi nhận mức giảm gần 27% so với tháng trước. Lượt tìm kiếm căn hộ cao cấp và bình dân cũng giảm lần lượt 20% và 22%.
Đáng chú ý, giá bất động sản tại cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM vẫn không có biểu hiện suy giảm dù nhu cầu tìm mua và nguồn cung rao bán đều giảm mạnh, thậm chí còn tăng cao ở một số phân khúc chủ lực. Tại Hà Nội, giá chung cư tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, giá rao bán căn hộ chung cư tại TP.HCM tăng gần 9% so với cùng kỳ và có xu hướng đi ngang so với tháng trước đó.
>>> Xem thêm:
|
Trong tháng 8/2021, giá chung cư Hà Nội tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái dù lượng tin đăng và mức độ quan tâm đều giảm mạnh. Nguồn: Batdongsan.com.vn |
Trong báo cáo thị trường tháng 7/2021, Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận giá chung cư TP.HCM và Hà Nội có xu hướng tăng với tỷ lệ trung bình tăng 2% so với tháng 6. So với cùng kỳ, giá chung cư tại TP.HCM tăng 10%, Hà Nội tăng 7%.
Báo cáo thị trường nhà đất quý 2/2021 của Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội tăng khoảng 5-7%. Đặc biệt, thị trường ghi nhận một số dự án có giá chào bán cao kỷ lục như One Central Saigon (quận 1, TP.HCM), khoảng 650-800 triệu đồng/m2; The Grand Hàng Bài có giá khoảng 570-700 triệu đồng/m2.
Báo cáo tổng quan thị trường địa ốc nửa đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cũng cho thấy giá bán căn hộ tiếp tục xu hướng gia tăng trong 10 quý liên tiếp. Giá nhà đất tại Hà Nội, TP.HCM chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn tăng mạnh bất chấp dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp, lệnh giãn cách kéo dài.
Vì sao giá nhà vẫn tăng giữa đại dịch?
Theo giới chuyên gia trong ngành, sở dĩ giá nhà đất nói chung và giá chung cư nói riêng vẫn tăng cao trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh mẽ là bởi những lý do sau:
Thứ nhất, quy luật cung - cầu: Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu về nhà ở quá lớn nên giá bán tiếp tục gia tăng là điều tất yếu. Chưa kể, các yếu tố giá đất, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng cũng đẩy giá bất động sản tăng lên.
Thứ hai, xu hướng dịch chuyển từ đất nền sang nhà chung cư: Sau cơn sốt đất đầu năm, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, họ chuyển dòng tiền sang thị trường nhà ở, căn hộ để đảm bảo an toàn. Bởi lẽ, mức tăng giá chung cư khá ổn định, ít khi bị thổi giá như đất nền và nhu cầu thực luôn lớn.
Thứ ba, bất động sản nhà ở, căn hộ chung cư phục vụ nhu cầu và kế hoạch sinh sống của người dân trong dài hạn nên ít khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, giá chung cư Hà Nội, TP.HCM vẫn tăng trong đại dịch.
Thứ tư, do tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp được đẩy lên 30-50%. Thị trường tăng trưởng nhanh, chủ đầu tư thường bán dự án sau với giá cao hơn.
Thứ năm, bất động sản nhà ở vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn: Thị trường chứng khoán tăng phi mã, lãi suất giảm nên dòng tiền đổ ồ ạt rót vào bất động sản. Do dịch bệnh, dòng vốn của nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh kinh doanh sản xuất, tiêu dùng, lại không am hiểu về chứng khoán nên họ chọn bất động sản nhà ở là kênh đầu tư an toàn và bền vững trong dài hạn.
Chính bởi vậy, giá bất động sản nhà ở nói chung và giá chung cư nói riêng tại các đô thị, thành phố lớn vẫn không giảm bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.
Lam Giang (TH)