Thanh tra tài chính tại Hà Nội vừa kiểm tra xác suất việc xây
dựng bảng giá đất tại 12 tuyến đường năm 2010 và năm 2011 tại 7 tuyến
đường cho thấy, giá thực tế đang cao hơn bảng giá đất của UBND thành
phố Hà Nội từ vài chục đến 400 - 500%.
Thanh tra tài chính tại Hà Nội vừa kiểm tra xác suất việc xây dựng bảng giá đất tại 12 tuyến đường năm 2010 và năm 2011 tại 7 tuyến đường cho thấy, giá thực tế đang cao hơn bảng giá đất của UBND thành phố Hà Nội từ vài chục đến 400 - 500%.
Theo một số chuyên gia thì chưa có nơi nào, giá đất lại có sự chênh lệch lớn như ở Hà Nội. Đây chính là kẽ hở tạo ra tham nhũng, thất thu thuế và khiếu kiện về đất đai.
Cơ hội cho đặc quyền và tham nhũng?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: "Đây là câu chuyện ai cũng biết từ lâu chỉ có điều các cơ quan Nhà nước có đặt ra hay không. Hiện nay ở tất cả các khu vực trong cả nước, giá đất thị trường đều cách xa so với bảng giá đất Nhà nước quy định nhưng Hà Nội là nặng nề nhất. Cách xây dựng bảng giá đất, tôi không nắm thật rõ nhưng chắc chắn yếu tố thực tế không được xem xét đến hoặc xem xét một cách hình thức nên mới xảy ra câu chuyện như nói đến ở trên".
Nguy cơ thứ nhất là tham nhũng vì nhà đầu tư luôn tính toán là phải làm thế nào để được giao đất. Tôi chưa nói là ai tham nhũng ở đây những phải thừa nhận rằng cơ chế đó chắc chắn sẽ tạo ra nguy cơ tham nhũng lớn. Điểm tiếp, là tình trạng dân khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện dây dưa kéo dài. Ở Hà Nội có lẽ không hiếm những vụ khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng kéo dài cả gần chục năm", GS Đặng Hùng Võ bức xúc.
Về vấn đề thu thuế, GS Đặng Hùng Võ cho biết: Hiện nay mình vẫn cho phép tính theo bảng giá đất của Nhà nước; Luật pháp thì quy định tính thuế tương đương với giá thị trường. Như vậy, nếu sự sai lệch càng nhiều thì sự thất thu thuế sẽ càng lớn. Lỗi này, trước hết là do không có sự kiểm tra sát sao từ Trung ương, không phát hiện, cũng không xử lý. Tôi biết, câu chuyện này, báo chí đã phản ánh nhiều, các chuyên gia về đất đai cũng bàn đi bàn lại từ năm 2005, nhưng đến tận bây giờ tình hình không hề biến chuyển, nếu không nói là xấu thêm.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ: "Nếu muốn có một bước thay đổi đột phá để giá đất khi xây dựng bảng giá sát với giá thị trường thì phải để hệ thống quyết định về giá đất nằm ngoài, độc lập với cơ quan hành chính, không thuộc quyền của UBND. Mặt khác, chúng ta phải phát triển dịch vụ định giá đất, dùng và để nó trở thành một phương tiện xác định giá đất chính xác. Theo tôi đây không phải là việc của cơ quan hành chính mà là của hệ thống chuyên ngành, chuyên môn, của những công ty cung cấp dịch vụ đó".
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: "Theo tôi, bảng giá đất nên chỉ dùng áp dụng cho các dự án phát triển hạ tầng như làm đường sá, cầu cống, trường học. Còn các dự án bất động sản (sau đó họ làm để kinh doanh), Nhà nước không nên giao, cấp đất mà để các nhà đầu tư tự tìm kiếm, thương lượng. Tôi biết có những dự án được ưu đãi rất nhiều, trong đó có giá đất, sau đó họ kinh doanh kiếm lãi gấp nhiều lần.
Ngoài ra, Thành phố định phát triển một dự án (ví dụ trên diện tích 200 ha, trên đó chưa có bất cứ dự án nào), Nhà nước nên bỏ tiền (kể cả vay ngân hàng) đền bù đồng loạt cho dân. Trong trường hợp này thì có thể áp dụng giá đất mà thành phố quy định. Có được mặt bằng sạch, chúng ta mới tiến tới xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng trên khu đất đấy.
Nếu định sử dụng đất xây dựng dự án nhà ở cho người thu nhập thấp thì Nhà nước có thể tính toán giá đất rẻ cho nhà đầu tư. Còn nếu là dự án cao cấp, thì Nhà nước đấu giá, ai trả giá cao thì được. Xây dựng trường học, bệnh viện, các công trình an ninh quốc phòng thì có thể không tính đến giá (vì đây vẫn là tiền Thành phố đầu tư). Chính sách của mình theo tôi phải phù hợp với từng thửa đất, làm siêu thị, nhà ở, công trình phúc lợi thì phải khác nhau. Làm được như vậy, mới có thể tránh được tình trạng loạn giá nhà đất trong khu đô thị”.
Tình trạng đất đai bị làm giá, đầu cơ, thậm chí là chuyện chạy dự án, tham nhũng hiện nay, theo ông Liêm chính là bắt nguồn từ những quy định mập mờ, nhập nhèm, không rõ ràng. "Tôi biết ở các dự án bất động sản, nhà đầu tư không được ăn cả đâu, cũng phải chia nhiều mối. Một dự án cũng phải cắt ra phải chục suất để ngoại giao. Tiền đó ở đâu ra, cuối cùng cũng quy vào đất cả. Người ta lại cắt đất bán, thu tiền", ông Liêm cho biết.
Giá đất Hà Nội đã được đẩy "kịch trần"(!)
Liên quan số liệu của Thanh tra tài chính mà báo chí đăng tải, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỏ ra khá ngạc nhiên vì hiện ông cho rằng hiện Sở mới đang chuẩn bị họp bàn về vấn đề này.
Trao đổi với Nguoiduatin.vn (với tư cách cá nhân), ông Nghĩa cho biết: "Từ kinh nghiệm của một người từng phụ trách việc xây dựng bảng giá đất của Thành phố, tôi phải thừa nhận đúng là có tình trạng giá đất giao dịch thực tế có sự chênh lệch với bảng giá đất".
Lý giải cho việc đó, ông Nghĩa cho biết: Việc xây dựng bảng giá đất phải bám vào khung giá đất của Chính phủ, đối với các đô thị đặc biệt thì cũng không được vượt quá 20%. Dựa vào đây, Hà Nội đã đẩy đến kịch trần. Quy định cao nhất chỉ có 67 triệu/m2, còn Hà Nội ở vị trí cao nhất là 81 triệu/m2. Nếu sửa thì phải sửa từ Khung giá đất của Chính phủ. Cách đây một vài năm cũng có một số ý kiến cho rằng nên để giá đất Hà Nội bung theo giá thị trường, nhưng HĐND cũng không ai dám quyết vấn đề này.
Trước đó, trả lời báo chí về giá cả đất đai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, chủ trương chung của Chính phủ là tất cả đều phải theo giá thị trường, quan trọng là áp mức giá cụ thể nào. Việc này sẽ do Bộ Tài chính quyết định. Tuy nhiên, việc áp tất cả theo giá thị trường cũng phải tính toán lại.
Nếu nói theo giá thị trường đất ở Hà Nội có giá 1tỷ đồng/m2 thì có hợp lý hay không? Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện theo giá thị trường là thông qua giao dịch, nhưng thực tế thì giao dịch đất đai hiện nay chủ yếu vẫn là giao dịch ngầm, chưa công khai, minh bạch.
"Hãy giao tiền để lãnh đạo thành phố đi mua..."
"Nếu muốn kiểm tra đúng hay không thì hãy đưa một khoản tiền bằng đúng giá quy định trong bảng giá đất của Thành phố cho một đồng chí lãnh đạo nào của Hà Nội phụ trách về giá đất đi mua đất. Mua không được thì phải bù tiền vào. Đây là cách thực tế nhất để lãnh đạo Hà Nội đừng bao giờ đưa ra những con số viển vông, xa vời đó. Việc chênh lệch quá lớn này sẽ dẫn đến những nguy cơ mà bấy lâu nay ai cũng biết nhưng ít quan tâm".
GS Đặng Hùng Võ.
(Theo Nguoiduatin.vn)