Ngay sau khi dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai được Quốc hội thông qua, đã có nhiều thông tin về việc giá đất nông nghiệp và đất dự án xung quanh khu vực này sẽ tăng chóng mặt.
Một dự án gần khu sân bay Long Thành mới làm đường và dựng cổng.
Ảnh: T.Đ.
Môi giới hoạt động nhộn nhịp
Long An, một xã nằm trải dài 2 bên quốc lộ 51, được cho là có vị trí đắc địa nhất đối với những người đầu tư, bởi nằm ngay sát nách của sân bay trong tương lai và còn là điểm giao đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây với quốc lộ 51.
Anh Trương Văn Thành, nhân viên môi giới của một sàn bất động sản đang chào bán dự án Victoria nằm ngay ở ngã ba Nhơn Trạch với lời quảng cáo chỉ cách sân bay Long Thành 3km. Dự án có quy mô khoảng 2.000 lô đất do Công ty Đình Thuận đầu tư và đã hoàn thiện xong phần hạ tầng. Giá bán tại dự án dao động trong khoảng từ 450-750 triệu đồng/lô, tùy vị trí và đường rộng 17m hay 32m. So với thời điểm đầu năm, mức giá chào bán này đã tăng hơn 10%.
Theo thông tin chia sẻ từ anh Thành, số lượng khách hàng đặt cọc giữ chỗ rất nhiều, nhưng dự án vẫn còn là bãi đất trống mênh mông, chưa có một căn nhà nào được xây dựng, chủ đầu tư mới chỉ dựng 2 cây cột ở cổng vào, còn khắp nơi của dự án vẫn là một khu ngổn ngang. Đến nay, khách hàng quan tâm đến các lô đất của dự án thì chỉ còn những lô ở đường nhỏ, còn các lô nằm trên trục đường lớn đã được chủ đầu tư quyết định dừng bán nhằm chờ tăng giá.
Một dự án khác với số lượng 300 lô đất, nằm trong khu vực trồng keo lá tràm, trước kia vốn là đất trồng rừng nay cũng được ăn theo dự án sân bay và đang được phân phối bởi Sàn giao dịch bất động sản SB có trụ sở ở Bình Dương. Khách hàng quan tâm đến dự án thường được công ty đưa đón bằng xe hơi từ Tp.HCM lên hoặc từ Bình Dương qua để khảo sát đất. Anh Nguyễn Văn Trung, một người môi giới địa phương cầm trên tay cả xấp sổ đỏ cho hay: Những lô đất nà anh bán cho khách đều đúng giá, còn nếu mua qua công ty môi giới thì giá họ chào thường cao hơn gấp rưỡi so với thực tế.
Anh Trung còn cho biết thêm, với lô đất 82m2 đã có sổ, chỉ có giá 180 triệu đồng, nhưng khi qua công ty môi giới, mức này được “thổi” lên cho khách Sài Gòn là 350 triệu đồng. Sở dĩ có độ chênh lệch rõ rệt như vậy là vì: Đất thuộc quyền sở hữu của người dân địa phương thì thường có tâm lý muốn bán cho nhanh vì họ có nhiều đất. Còn khi qua các công ty môi giới, nguồn khách mà họ chở đến chủ yếu là từ nơi khác, không nắm được giá nên các đơn vị này đã thổi giá trên trời để hưởng số tiền chênh lệch. Bên cạnh đất, anh Trung cũng bán cả nhà đã xây sẵn trên 80m2 đất với giá 400 triệu đồng và chỉ việc vào ở ngay, mức giá này được cho là không quá đắt so với thị trường.
Tại các xã nằm trong dự án sân bay Long Thành như Bình Sơn, Long Phước, Cẩm Đường, Lộc An thường không có nhiều môi giới giống anh Trung. Đa phần đều áp dụng đủ mọi chiêu trò nhằm kích giá, kể cả người dân lẫn công ty kinh doanh bất động sản.
Cán bộ địa chính xã Lộc An Nguyễn Duy Phong cho biết, giao dịch mua bán đất tại các khu vực xung quanh dự án sân bay thì không thấy nhiều mà chỉ thấy giá rao bán liên tục tăng cao đến chóng mặt. Tại xã Lộc An, trước đây, đất nông nghiệp thường được rao bán khoảng 3,5- 4 tỷ đồng/ha thì nay đã được đẩy lên 5,5-6 tỷ đồng/ha.
Dấu hiệu “sốt” vẫn chưa thấy
Ông Lê Hồng Thanh, Chủ tịch UBMTTQ xã Long An, huyện Long Thành, một cán bộ xã lâu năm ở đây nói: “sốt đâu mà sốt” khi được hỏi về dự án sân bay được ông Bộ trưởng GTVT nói có thể khởi công ở đây vào năm 2018.
Thực ra, giá đất tại đây cũng có nhích lên một chút, nhưng không phải sau khi có thông tin dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, mà là khoảng hơn 1 tháng trước đó rồi và mức giá này tăng cũng không nhiều. Nếu 1 sào đất vườn khoảng 1.000m2 trước đây được bán với giá là 100 triệu đồng thì nay bán được chừng 110 hoặc 120 triệu đồng, tùy vị trí. Còn giá bán của đất dự án phân lô thì dao động trong khoảng 1,4-2,5 triệu đồng/m2, ông Thanh cho biết thêm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Ngô Thế Ân cũng cho biết: Toàn huyện Long Thành có 4.541 hộ dân bị giải tỏa, trong đó, xã Suối Trầu gần như phải giải tỏa trắng, còn những xã Long An, Bàu Cạn, Bình Sơn… thì bị tỏa 1 phần. Người dân của những xã bị giải tỏa 1 phần cũng có nhu cầu mua đất để ổn định cuộc sống, nhưng số này không nhiều.
Hoạt động mua bán chuyển nhượng đất tại đây chủ yếu được thực hiện bởi những người từ nơi khác, họ dùng nguồn tiền nhàn rỗi mua đất rồi để đó. Và hoạt động này chủ yếu diễn ra đối với đất vườn, còn đất dự án thì dường như không có nhiều biến động. Việc giá đất bị thổi lên phần lớn là do “cò” thực hiện, ngay cả khi giao dịch không nhiều hoặc không có, ông Ân thừa nhận.
Ngay sau khi có thông tin về việc Quốc hội thông qua dự án sân bay Long Thành, các doanh nghiệp bất động sản ngay lập tức bắt tay vào việc tăng tốc quảng bá và tiếp thị dự án ra thị trường. Đại diện của một sàn Bất động sản cho hay, khách mua sản phẩm của Victoria chủ yếu đến từ Tp.HCM. Họ chủ yếu là những nhà đầu tư, chờ cơ hội giá lên để bán lại kiếm khoản chênh lệch chứ không hề có nhu cầu ở thực. Qua tìm hiểu các nhóm đối tượng khác nhau, từ người dân cho đến các cán bộ ngành liên quan cũng như các nhà đầu tư, đã cho thấy, đất ở Long Thành thực sự vẫn chưa có dấu hiệu gì gọi là “sốt”. Còn động thái giá đất nhích lên một chút chủ yếu là do xu hướng vận động chung của thị trường cả nước.