Theo công bố kết quả chương trình khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2010 của Grant Thornton, giá thuê phòng trung bình của những khách sạn cao cấp ở Việt Nam giảm 31,9% trong năm 2009.
Theo công bố kết quả chương trình khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2010 của Grant Thornton, giá thuê phòng trung bình của những khách sạn cao cấp ở Việt Nam giảm 31,9% trong năm 2009.
Cuộc khảo sát 7963 phòng của 69 khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ 3 đến 5 sao cho thấy, năm 2009 là giai đoạn đầy biến động đối với các nhà điều hành khách sạn ở Việt Nam. Giá thuê phòng trung bình của những khách sạn cao cấp ở Việt Nam giảm 31,9% trong năm 2009.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế năm 2009 đã gây tác động đáng kể tới ngành du lịch và khách sạn. Ông Ken Atkinson, Công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm toán Grant Thornton nhận định, đối với các nhà điều hành khách sạn ở Việt Nam, năm 2009 là một năm cực kỳ khó khăn. Hầu hết các khách sạn phải đối mặt với tình trạng giá phòng, công suất cho thuê phòng và lợi nhuận đều giảm. Năm 2009 là năm thách thức nhất của ngành khách sạn tại Việt Nam.
Giá phòng trung bình của các khách sạn cao cấp ở Việt Nam giảm 31,9% trong năm 2009 nhưng ảnh hưởng về suy giảm công suất thuê phòng trung bình ít nghiêm trọng hơn, trung bình giảm 4,3%.
Giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao giảm 33,5% trong năm 2009. Khách sạn 5 sao chịu áp lực nhiều nhất về giảm giá. Công suất khách sạn 5 sao giảm bình quân 6,3%. Trong khi đó, các khách sạn 4 sao giảm 12,1%, công suất giảm 14,1%. Riêng khách sạn 3 sao, công suất lại tăng 2,1% do khách hàng chuyển dịch sang các khách sạn ít tiền hơn.
Đặc biệt, giá phòng ở miền Nam, miền Trung có xu hướng giảm mạnh hơn như TP.HCM giảm tới 29%; Hội An và Đà Nẵng cũng giảm 29-32%, trong khi tại Hà Nội, mức giảm chỉ 18,2%. Thậm chí tại Đà Lạt, Phan Thiết lại có xu hướng ngược lại khi giá phòng tăng lần lượt tới hơn 30% và 18%.
Về công suất sử dụng phòng, báo cáo đánh giá cũng có sự khác biệt khi biến động trên khắp cả nước. Trong đó, TP.HCM rớt khỏi vị trí dẫn đầu, nhường cho Phan Thiết (Bình Thuận).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 11% là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Đặc biệt, số khách đi du lịch nội địa chọn khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng có xu hướng tăng mạnh.
Xu hướng khách chọn đi du lịch trong nước và nghỉ tại khách sạn cao cấp, resort tăng lên. Tỷ lệ này từ 19,7% của năm 2008 đã tăng lên 26,3% trong năm 2009, thể hiện mức tăng trưởng 33,5% của khách lưu trú nội địa giữa hai năm.
Theo bà Trịnh Kim Dung, trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp của Grant Thornton, giá phòng và công suất suy giảm nhưng các khách sạn đã cố gắng tăng phần doanh thu từ các dịch vụ khác. Doanh thu từ dịch vụ nhà hàng, tính theo tính theo tỷ lệ trên tổng doanh thu, tăng 8,9% và doanh thu từ các dịch vụ khác như spa, tiệc, hội thảo, trung tâm dịch vụ văn phòng và dịch vụ du lịch tăng 8,2%.
Duy Khánh