Công ty CBRE vừa công bố Khảo sát thị trường văn phòng quý 3. Theo đó, tại cả Hà Nội và Tp.HCM, thị trường văn phòng đều khá sôi động. Theo dự báo, trong quý cuối năm, thị trường này tiếp tục có nhiều dấu hiệu khả quan nhờ giá cho thuê hợp lý hơn.
Giá thuê hợp lý cải thiện tỷ lệ lấp đầy
Theo khảo sát thị trường Hà Nội trong quý vừa qua, nguồn cung văn phòng tiếp tục tăng với sự ra mắt của tòa VP Bank Tower hạng B tại khu vực Đống Đa – Ba Đình. Hết Quý 3/2016, tổng nguồn cung văn phòng đạt trên 1,1 triệu m2, trong đó văn phòng hạng B chiếm 64%.
Cũng theo CBRE, nhóm khách hàng có nhu cầu thuê văn phòng cao nhất
trong quý 3/2016 thuộc các lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng,
Logistics và Công nghệ
Trong quý 3/2016, giá chào thuê giảm so với quý 2 ở cả văn phòng hạng A và B. Giá chào thuê trung bình của văn phòng hạng A đã giảm 0,8% so với quý trước, đạt 28 USD trong khi văn phòng hạng B giảm 1,7% so với quý trước, đạt mức trung bình 17,8 USD.
Xét theo nhu cầu, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 23.300 m2 trong quý 3/2016. Con số này đã tăng 23% so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng năm 2015.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội đánh giá, các tòa nhà mới được đưa vào sử dụng với mức giá thuê hợp lý, cơ sở vật chất tốt đã khiến tỷ lệ hấp thụ tăng đáng kể, trong khi những tòa nhà khác phải giảm giá thuê để thu hút khách. Nếu xét theo ngành, các ngành sản xuất, công nghệ và giáo dục có nhiều nhu cầu thuê văn phòng nhất. Nhu cầu thuê văn phòng có diện tích khoảng 300 m2 phổ biến nhất tại thị trường Hà Nội.
Cũng theo CBRE, đây là thời điểm thích hợp để các chủ đầu tư đưa ra các mức giá và tiện ích hấp dẫn thu hút khách thuê văn phòng tại Hà Nội. Bởi vậy, khu vực giữa TP và phía Tây nhanh chóng thu hút các khách hàng bởi có nhiều lựa chọn mới đáp ứng được diện tích trên 2,000m2 lại có mức giá thấp hơn đáng kể so với khu vực trung tâm.
Bà Nguyễn Hoài An cũng cho rằng, giá thuê hợp lý hơn đã cải thiện tỷ lệ lấp đầy cho cả hạng A và hạng B. Trong khi tỷ lệ trống trung bình các tòa nhà hạng A giảm 2,67 điểm % so với quý trước thì tỷ lệ này ở văn phòng hạng B đã giảm 1,79 điểm %. Nếu xét theo khu vực, các tòa nhà văn phòng tại khu vực Đống Đa – Ba Đình có mức tăng tỷ lệ lấp đầy cao nhất, ghi nhận tăng 3,5 điểm % đối với cả hạng A và B.
CBRE dự báo, trong tương lai, các tòa nhà văn phòng quy mô lớn đang được tích cực xây dựng và chuẩn bị ra mắt làm tăng thêm số lượng văn phòng cả hạng A và B. Khu vực phía Tây và Đống Đa – Ba Đình sẽ có thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới ra mắt. Vì vậy, thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Điều này sẽ thúc đẩy sự cải thiện dịch vụ và mức giá của các tòa nhà đang hoạt động để có thể cạnh tranh với các tòa nhà mới.
Văn phòng cũ giữ giá để tăng khả năng cạnh tranh
Tại thị trường Tp.HCM, trong quý 3/2016, không có tòa nhà văn phòng mới nào đi vào hoạt động. Vào cuối năm, thị trường văn phòng tại Tp.HCM dự kiến sẽ chào đón một lượng lớn nguồn cung ngoài trung tâm, nổi bật là Mapletree Business Centre tại quận 7, Hà Đô Building ở Quận Tân Bình, HQC Royal Tower ở quận 7. CBRE cũng cho rằng, những tòa nhà này sẽ làm thay đổi mức giá thuê và tỷ lệ trống của cả thị trường.
Báo cáo của Citrix’s Workplace of the Future cũng cho thấy, khoảng 89% các công ty và tập đoàn toàn cầu sẽ thay đổi sang mô hình văn phòng theo thiết kế năng động và di động cho đến năm 2020.
Giá thuê nhìn chung có sự tăng nhẹ ở cả hạng A và hạng B. Các tòa nhà hoạt động lâu năm đã không tăng giá để tăng tính cạnh tranh với các tòa mới mở và các tòa nhà Hạng B ở khu trung tâm.
Dựa trên các giao dịch của CBRE, phần lớn các giao dịch thành công có mục đích là chuyển văn phòng sang các tòa nhà mới hơn và mở rộng văn phòng. Thị trường cũng trở nên sôi động hơn với việc các khách thuê hiện hữu di chuyển giữa các toà nhà. Khách thuê ở những tòa nhà hạng A được hoàn thành từ trước năm 2009 đang có xu hướng chuyển ra những dự án mới hơn với giá thuê cạnh tranh hơn. Một số ít khách thuê ký lại hợp đồng và mở rộng văn phòng tại chính tòa nhà đang thuê.