Thị trường BĐS lao dốc, giá giảm mạnh, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, ở nhiều phân khúc, đây lại là cơ hội để đầu tư, đón đầu cơn sóng mới. Sau đây là một vài ý kiến nổi bật.
Thị trường BĐS lao dốc, giá giảm mạnh, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, ở nhiều phân khúc, đây lại là cơ hội để đầu tư, đón đầu cơn sóng mới. Sau đây là một vài ý kiến nổi bật.
Thị trường vẫn có sóng (Ông Phạm Thanh Hưng – Phó TGĐ Tập đoàn Cen Group).
Tôi cho rằng, nhu cầu về nhà ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất cao. Năm 2010 được coi là khá ảm đạm với thị trường BĐS nhưng vẫn có khoảng 50.000 căn hộ chung cư (chưa kể đất nền, biệt thự…) tương đương 50 triệu m2 nhà ở được bán ra trong khi mọi năm là khoảng 70 triệu m2 các loại. Năm 2011, giá xăng, giá điện, tỉ giá đều tăng nhưng cũng chính trong năm nay hàng loạt các siêu dự án đã khởi công hay hoàn công.
Năm 2011 hoàn toàn không chỉ là sự tác động của vĩ mô. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, đến ngày 28.12.2010, tổng dư nợ BĐS là hơn 10 tỉ USD nhưng Hà Nội chỉ chiếm có 1,6 tỉ USD (16%). Như vậy có thể thấy, nguồn mua nhà ở Hà Nội phụ thuộc vào ngân hàng rất ít. Chính vì vậy, theo tôi, thị trường BĐS Hà Nội vẫn đang có sóng, đặc biệt là những dự án vùng ven, hoặc những nơi có triển vọng kết nối hạ tầng đồng bộ trong tương lai mà khoảng cách không quá xa trung tâm Hà Nội.
Nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn (Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Đầu tư và phân phối DTJ).
Tôi cho rằng, thị trường BĐS của ta hiện nay so với các nước còn khá sơ khai. Nhu cầu nhà ở còn rất lớn, theo Bộ Xây dựng thống kê thì chúng ta còn phải mất khoảng 10 năm nữa mới đạt được mật độ nhà ở trung bình là 25m2/người.
Chuyện vỡ bong bóng thị trường BĐS chỉ xảy ra khi mà cung vượt xa cầu. Ở ta chưa đến mức đó nên chuyện này là chưa thể có. Có chăng, đó chỉ là những bong bóng cục bộ ở phạm vi nhỏ thôi, còn lại rất nhiều chỗ lõm nên nếu nó có vỡ cũng không đáng ngại lắm. Theo tôi, sở dĩ giá nhà cao vì hiện Nhà nước thu tiền sử dụng đất khá cao, mỗi năm tăng 10-15%. Cứ nói giá cả giảm nhưng đầu vào luôn tăng thì đầu ra phải tăng là chuyện đương nhiên.
Việc thao túng thị trường, đẩy giá để giá tăng vọt rồi giảm thảm hại, theo tôi, cũng là do tâm lý đám đông. Người làm kinh doanh thì bao giờ cũng phải tính đến lợi nhuận. Người này mua vào rồi lại bán cho người kia với giá chênh lệch cao hơn. Người được lợi nhất tất nhiên là nhà đầu tư. Nhưng chỉ rõ ra đó là ai cũng khó, vì hiệu ứng đám đông như tôi vừa nói. Người chịu thiệt hại nhất chính là người cuối cùng sở hữu căn nhà đó. Nhưng thật ra, ngoài yếu tố đầu vào như đã nêu trên thì giá cả được xác lập theo quy luật cung cầu và khả năng chi trả của khách hàng.
Đây là cơ hội tốt để mua vào (GS- TS Đặng Hùng Võ).
Lạm phát và cắt giảm ngân sách, chính sách tài chính thắt chặt, hạn chế cho vay và nhiều chính sách khác đều nhắm tới việc kiềm chế sự phát triển quá nóng của BĐS và buộc thị trường BĐS đứng trước sức ép giảm giá. Song, tôi cho rằng, đây cũng chính là sự thanh lọc và là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp có năng lực sẽ trụ lại và các doanh nghiệp nhỏ lẻ không chuyên sẽ phải rút lui khỏi cuộc chơi chung.
Với các nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng, nên mạnh dạn đầu tư. Thị trường trầm lắng và xuống giá như hiện nay chính là cơ hội nếu các nhà đầu tư biết cách nắm bắt. Nhất là đối với các nhà đầu tư trường vốn, có thể nhân lúc nguồn cung trên thị trường đang dồi dào và giá rẻ, lựa chọn mua vào để chờ cơ hội. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư đoản vốn thì nên thận trọng suy xét thật kỹ trước mỗi quyết định. Nếu có ý định “lướt sóng” thì không nên, bởi chưa có cơ sở nào để khẳng định tín hiệu khởi sắc của thị trường trong ngắn hạn. Cũng có thể 1 năm, 2 năm, thậm chí là 3 năm sau, các sản phẩm BĐS mua lúc này mới có cơ hội sinh lời...
(Theo Lao động)