Sau kết luận của UBND TP. Hà Nội về tiêu cực trong công tác cấp sổ đỏ tại hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm, đại biểu Quốc hội (QH) Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến, thực tế 'bôi trơn sổ đỏ' tại Hà Nội còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Kết quả thanh tra phản ánh không tương xứng với thực tế.
Theo đó, việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân xuất phát từ nguyên nhân chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước nên chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để thực hiện thủ tục. Trong khi đó, tình trạng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, vi phạm luật đất đai, xây dựng hiện diễn ra khá phổ biến tại các dự án trên địa bàn Hà Nội. Bởi vậy, khi có chủ trương tháo gỡ vướng mắc thì lượng hồ sơ đã tăng đột biến, gây quá tải khiến việc giải quyết chậm so với quy định.
Bộ TN&MT cũng khẳng định, vấn đề phản ánh chủ đầu tư thu 8 triệu đồng của người dân làm sổ đỏ sẽ được thể hiện tại kết luận thanh tra của Hà Nội.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH đánh giá kết luận thanh tra sự việc so với những chứng cứ ông cung cấp chưa tương xứng hiệu vi phạm. Trên thực tế, "bôi trơn sổ đỏ" tại Hà Nội còn nghiêm trọng hơn nhiều. “Kết quả thanh tra mới chỉ ra được dấu hiệu, chưa đáp ứng được mong đợi của dư luận, không phù hợp thực tế sự việc. Kết quả thanh tra phản ánh không tương xứng so với rất nhiều bằng chứng mà báo chí, dư luận cung cấp. Nguyên nhân có lẽ do cơ quan thanh tra chưa có đủ chức năng quyền hạn, điều kiện trình độ nghiệp vụ, thời gian để xác minh, làm rõ sự việc như cơ quan công an", ông Cương trao đổi.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, Bộ TN&MT cho biết, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 102 ngày 10/11/2014, bổ sung quy định với tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục, nếu có dấu hiệu chậm trễ sẽ đối theo các mức thời gian, số lượng để xử lý, mức phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng.