Gói ưu đãi tín dụng 30.000 tỉ đồng đã hết, ưu đãi lãi suất thấp đã không còn, nhiều doanh nghiệp BĐS xin trả lại nhà ở xã hội (NOXH).
|
Thiếu vốn, dự án nhà ở xã hội HQC Hóc Môn bị chậm tiến độ. |
Nhà ở xã hội lại "tắc" vì thiếu vốn
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân cho biết, theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ triển khai hơn 20 dự án NOXH trên cả nước, tuy nhiên do không còn gói tín dụng nào hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người mua nhà nên doanh nghiệp đã phải giãn tiến độ các dự án. Nhiều dự án đã bị chậm bàn giao căn hộ rất lâu so với cam kết trong hợp đồng cũng do nguyên nhân thiếu tiền xây dựng. Để có tiền để triển khai tiếp dự án, doanh nghiệp này phải đi vay vốn theo lãi suất của ngân hàng thương mại, huy động vốn từ thị trường chứng khoán cộng thêm một phần vốn tự có, tuy nhiên, hầu hết các dự án NOXH của công ty đều đang bị chậm tiến độ.
Công ty HT mới đây đã phải hủy bỏ một dự án NOXH dự kiến sẽ được khởi công tại quận Bình Tân (Tp.HCM) và chuyển một dự án khác đã sang đất nền. Lý do của động thái này là sau khi gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng hết hạn, đến nay Chính phủ vẫn chưa có một gói hỗ trợ mới, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mua, thuê mua NOXH vẫn chưa có. "Dự án NOXH sẽ được miễn tiền sử dụng đất, chỉ phải đóng 5% thuế VAT, 10% thuế thu nhập doanh nghiệp nên giá sẽ rẻ hơn so với nhà thương mại. Tuy nhiên, người mua nhà lại không được hỗ trợ gì cộng với những quy định quá khắt khe trong việc xét duyệt dự án, hạn chế đối tượng mua... nên làm NOXH sẽ khó hơn nhiều so với làm nhà ở thương mại”, đại diện công ty này phân tích.
Cũng theo vị này, NOXH là loại hình nhà ở đã kén khách mua, nay không còn hỗ trợ tài chính cho người mua, thuê mua nên càng thêm khó tìm được khách hàng. Chính vì vậy, công ty phải chuyển sang làm nhà thương mại dễ làm hơn trong thời điểm này khi nhu cầu về nhà ở giá rẻ vẫn còn rất lớn.
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng BĐS cuối năm 2017” được tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận có hiện tượng doanh nghiệp xin trả lại dự án NOXH.
Chưa ai được vay vốn ưu đãi theo quy định mới
Lãnh đạo một công ty BĐS cho biết, theo luật thì các dự án đều phải dành 20% quỹ đất của dự án cho việc phát triển NOXH. Luật mới cũng quy định rất thoáng trong việc này, nghĩa là doanh nghiệp có thể đóng bằng quỹ đất, căn hộ hoặc bằng tiền. Thực tế thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn phương án đóng tiền. "Số tiền này được sử dụng như thế nào? Tại sao không dùng làm một quỹ riêng để hỗ trợ lại người mua NOXH hoặc các doanh nghiệp phát triển các dự án NOXH theo như đúng mục đích của nó?", vị này đặt câu hỏi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng nói rằng, quỹ đất dành cho NOXH cần được quản lý và sử dụng hiệu quả. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NOXH theo quy hoạch của địa phương, không nên dùng vào mục đích khác. Theo ông Châu, luật Nhà ở 2014 quy định các nguồn vốn để phát triển NOXH để cho thuê, thuê mua, trong đó có nguồn "vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ". Đây có thể hiểu là bao gồm cả các nguồn vốn viện trợ, vốn ODA của nước ngoài, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ chế cụ thể hướng dẫn thực hiện vấn đề này. Nếu có thêm nguồn vốn này thì sẽ tạo điều kiện phát triển NOXH với quy mô lớn hơn, nhanh hơn. Vì vậy Bộ Tài chính cần đưa ra cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển NOXH của các tỉnh, TP khi có nhu cầu này. “Từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực cho đến nay, các bộ vẫn chưa báo cáo, đề xuất Chính phủ về nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách phát triển NOXH. Thực tế cho đến nay vẫn chưa có cá nhân nào được vay ưu đãi để mua, thuê mua NOXH theo chính sách mới, chủ đầu tư cũng không được vay ưu đãi. Vì vậy, các bộ ngành cần đề xuất giải pháp về vốn cho NOXH”, ông Châu đề xuất.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, gói 30.000 tỉ đồng chỉ là gói ưu đãi tạm thời, mang tính lịch sử thời điểm đó, vừa tạo cú hích cho thị trường, vừa là vốn “mồi” cho chương trình phát triển NOXH. Chính phủ không thể duy trì mãi gói tín dụng như vậy được nên về lâu dài cần thực thi các luật đã có, nhất là quỹ tín dụng nhà ở để hỗ trợ cho chương trình. “Vấn đề cốt lõi vẫn là tiền, đã có cơ chế rồi, chỉ cần các tổ chức thực thi các chính sách như Nghị định 101/2015 hay luật Nhà ở là chương trình phát triển NOXH sẽ được chạy tốt. Đây là một giải pháp căn cơ, bền vững, chứ không phải chỉ có các gói tạm thời”, ông Tuấn nói.