Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, trong số các dự án hoàn thành, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (trên 14%). Trong năm 2016, số dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm hơn 5.400 dự án, so với năm trước tăng hơn 1.100 dự án (27%).
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có báo cáo công khai tình hình quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước năm 2016. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo tổng hợp tình hình quyết toán dự án hoàn thành của 34/39 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 20/88 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Hơn 12.000 dự án vi phạm thời gian quyết toán
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chậm nhất vào ngày 30/1, các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải gửi báo cáo này cho Bộ Tài chính.
Cơ quan này cho biết, ngoài 63.215 dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán, có tới 12.459 dự án chưa nộp báo cáo quyết toán. Các dự án này có số vốn đã thanh toán trên 86.321 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, có khoảng 9.700 dự án đã hoàn thành nộp báo cáo quyết toán nhưng chưa được phê duyệt. Những dự án này có giá trị đề nghị quyết toán 297.934 tỷ đồng.
Thông qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán, trên 3.100 tỷ đồng đã loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán, chiếm 0,76% tổng giá trị đề nghị quyết toán, chủ yếu tập trung ở phần vốn ngân sách Nhà nước địa phương quản lý (xấp xỉ 2.500 tỷ đồng).
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh công tác quyết toán, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán các dự án hoàn thành từ năm 2005- 2014. Mục đích của việc này là nhằm tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước,
Bên cạnh đó, các cơ quan nêu trên cần thực hiện nghiêm việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án, tránh để xảy ra tình trạng vi phạm về thời gian quyết toán.
Tình trạng đã hoàn thành nhưng chậm nộp báo cáo quyết toán diễn ra ở tất cả các bộ ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết. Cụ thể, từ năm 2014 trở đi, chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên không được giao dự án mới. Mặt khác, các dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 12 tháng trở lên không được bố trí kế hoạch vốn để thanh toán số vốn còn thiếu. Ngoài ra, nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng không được tham gia đấu thầu dự án mới.
Theo Nhịp sống Kinh doanh