Bảo hiểm, tài chính, ngân hàng và kinh doanh bất động sản là những ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể mạnh nhất. Trong đó, lĩnh vực địa ốc giải thể nhiều nhất với 526 doanh nghiệp, tăng 46,5%.
Mới đây, Bộ KH&ĐT đã có báo cáo chi tiết về tình hình doanh nghiệp trên thị trường trong 10 tháng đầu năm nay với tông màu ảm đạm bao trùm. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng qua là 74.347 doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 17,3%. Trong 10 tháng đầu năm 2019 có 13.486 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 1,4%.
|
Kinh doanh bất động sản là ngành có lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2019. (Ảnh minh họa) |
Trong đó, kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là những ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể mạnh nhất với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lần lượt là 526 doanh nghiệp (tăng 46,5%), 167 doanh nghiệp (tăng 39,2%).
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp chờ giải thể tăng 34,755 với 34.526 doanh nghiệp. Cụ thể, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế là 8.997 doanh nghiệp; doanh nghiệp đăng thông báo giải thể có 11.206 doanh nghiệp; số doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 14.323 doanh nghiệp.
Lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất thuộc về các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe máy, ô tô chiếm tỷ lệ 36,6% (12.636 doanh nghiệp); xây dựng chiếm 13,8% (4.778 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm 12,5% (4.302 doanh nghiệp).
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên cả nước trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 7,6%, gồm 26.335 doanh nghiệp.
Được biết, những doanh nghiệp này đã làm thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 1 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh bình thường sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng.
Các ngành kinh doanh có tỷ lệ gia tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động gồm du lịch, dịch vụ việc làm, cho thuê thiết bị, máy móc, đồ dùng và những dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 15,8%, 1.366 doanh nghiệp); kinh doanh địa ốc (tăng 54,4%, 548 doanh nghiệp); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 36,3%, 244 doanh nghiệp); phân phối điện, sản xuất, gas, nước (31,1%, 160 doanh nghiệp).