Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) cảnh báo rằng, xây dựng nhiều nhà chung cư trong nội thành có thể là một nguyên nhân làm tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông.
HoREA cho rằng, việc xây nhiều chung cư trong nội thành sẽ càng làm tăng ùn
tắc giao thông. (Ảnh minh họa).
Theo HoREA, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP có tiềm ẩn yếu tố làm gia tăng số lượng nhà chung cư mini trong nội thành.
Cụ thể, quy định cho phép nhà ở riêng lẻ được xây dựng từ 2 tầng trở lên và tại mỗi tầng được thiết kế xây dựng có từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, bếp riêng, nhà tắm riêng, nhà vệ sinh riêng), có diện tích sàn tối thiểu mỗi căn hộ từ 30m2 trở lên và đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư sẽ được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Lãnh đạo Tp.HCM cần cân nhắc kỹ, tránh để tình trạng 'khoét lõm' xây dựng chung cư mini trong nội thành nhằm tránh tăng áp lực lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông mà cần quy định rõ việc thực hiện chỉnh trang đô thị phải tiến hành theo dự án, theo khối phố, ô phố để tăng độ thông thoáng trên mặt đất và cây xanh, theo HoREA.
Về giải pháp để tránh ùn tắc giao thông nội thành, vì có nhiều chung cư nên cần phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị cầu, đường, monorail, metro, xe buýt, vận tải đường thủy... Ví dụ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), chỉnh trang đô thị quận 4... đã kết hợp với việc phát triển hạ tầng giao thông, nhờ đó việc ùn tắc giao thông ít khi xảy ra.
Hiện Tp.HCM đang phát triển đô thị, nhà ở rất mạnh về hướng Đông và Nam, là hướng thoát nước tự nhiên của TP, là nguyên nhân làm tăng thêm tình trạng ngập úng diện rộng.
Vì vậy, chính quyền TP có chính sách, cơ chế thu hút đầu tư để phát triển đô thị về hướng Tây Bắc của TP là khu vực cao, ít chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong tương lai gần.
Ngoài nhiều giải pháp đã thực hiện, Hiệp hội đề nghị UBND Tp.HCM và Sở Quy hoạch Kiến trúc cần quản lý chặt chẽ, thống nhất cốt sang nền trên phạm vi toàn TP đối với tất cả các dự án có hoạt động san lấp cải tạo mặt bằng trong đó có dự án bất động sản với nguyên tắc phải hoàn trả bằng hay lớn hơn diện tích mặt nước đã bị san lấp.
Theo Nhịp sống kinh doanh