Các sàn giao dịch BĐS, các công ty địa ốc và thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đang băn khoăn không hiểu mục đích của việc phân hạng các sàn giao dịch BĐS là gì và sẽ giúp ích gì cho thị trường cũng như các hoạt động của các DN.
Các sàn giao dịch BĐS, các công ty địa ốc và thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đang băn khoăn không hiểu mục đích của việc phân hạng các sàn giao dịch BĐS là gì và sẽ giúp ích gì cho thị trường cũng như các hoạt động của các DN.
Trong khi vấn đề phân hạng sàn giao dịch đang được Bộ Xây dựng đề cập trong dự thảo thông tư hướng dẫn sẽ ban hành trong thời gian tới.
Cũng giống như phân hạng sao cho khách sạn hay phân hạng chung cư của Bộ Xây dựng, các sàn giao dịch BĐS, theo dự thảo, sẽ được phân thành ba cấp: hạng 1, 2 và 3 tùy theo các nhóm tiêu chí về số lượng dịch vụ và quy mô dịch vụ, về cơ sở vật chất, về nhân sự, về cơ sở dữ liệu, thông tin…
Phát biểu tại buổi hội thảo “Giải pháp phát triển sàn giao dịch BĐS hướng đến thị trường bền vững, năng động và minh bạch” do Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổ chức ngày 22/9, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng còn khá nhiều bất cập trong dự thảo thông tư, cần được xem xét kỹ trước khi ban hành.
Ông Hiệp cho rằng, việc phân hạng sàn giao dịch BĐS chỉ là hình thức vì việc phân hạng chỉ mang tính tự nguyện, các sàn giao dịch BĐS không tham gia phân hạng vẫn hoạt động bình thường. “Phân hạng để làm gì và lợi ích của phân hạng ra sao cũng không biết và nếu đó chỉ là hình thức thì không nên làm,” ông Hiệp phát biểu.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng dự thảo thông tư chưa cho thấy việc tham gia phân hạng sàn sẽ giúp ích gì cho chủ sàn, và khách hàng khi giao dịch qua sàn giao dịch đã được phân hạng sẽ có lợi gì, có khác gì so với các sàn không tham gia phân hạng hay không.
Hiện nay, các sàn đang hoạt động với các dịch vụ như giao dịch mua bán, môi giới, định giá, tư vấn, quảng cáo, đấu giá và quản lý BĐS. Đây là một trong 6 nhóm tiêu chí phân hạng sàn.
Tuy nhiên, hiện khu vực TPHCM, theo ông Hiệp, chưa có đến 10 sàn giao dịch BĐS cung cấp đủ các dịch vụ trên. Đó là chưa kể các tiêu chí về cơ sở vật chất, diện tích sàn, nhân sự, số lượng dịch vụ… cũng khó có sàn nào đáp ứng tiêu chuẩn đề ra, nhất là yêu cầu mỗi sàn phải có một kiến trúc sư quy hoạch.
Một số ý kiến cho rằng, các sàn giao dịch là pháp nhân và giấy phép đăng ký kinh doanh không xác định thời hạn. Tuy nhiên, dự thảo thông tư lại giới hạn thời hạn hoạt động của sàn giao dịch BĐS là hai năm và phân hạng sàn giao dịch BĐS có hiệu lực chỉ một năm.
Theo quy định, tất cả các sàn giao dịch BĐS, định kỳ 6 tháng một lần, sẽ phải báo cáo tình hình hoạt động về Cục quản lý nhà và thị trường BĐS và Sở Xây dựng tại địa phương. Tuy nhiên, các sàn giao dịch BĐS đã được phân hạng phải báo cáo về tình hình thị trường cho cơ quan quản lý mỗi quý một lần. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp tham gia phân hạng sàn giao dịch của mình phải báo cáo nhiều hơn.
Ông Hiệp cho biết, TPHCM có khoảng 150 sàn giao dịch BĐS, chiếm hơn 50% số lượng sàn trong cả nước. Hiện Sở Xây dựng đã cấp tổng cộng 6.800 chứng chỉ hành nghề môi giới và 3.800 chứng chỉ định giá BĐS ở khu vực TPHCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng việc phân hạng sàn giao dịch BĐS giống như phân hạng chung cư trước đây vốn còn nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống. Do vậy đây là việc làm không cần thiết.
Theo ông Châu, chính khách hàng và thị trường sẽ là người đánh giá, quyết định đẳng cấp thứ hạng của các sàn giao dịch BĐS. Vấn đề hiện nay với cơ quan quan quản lý là tăng cường kiểm tra, quản lý họat động của các sàn thay vì đưa ra bảng phân loại sàn.
(Theo TBKTSG Online)