Mua nhà theo giá kinh doanh bằng vàng nhưng đền bù theo khung Nhà nước khiến hàng chục hộ dân gần như trắng tay.
Mua nhà theo giá kinh doanh bằng vàng nhưng đền bù theo khung Nhà nước khiến hàng chục hộ dân gần như trắng tay.
Hàng chục hộ dân mua nhà của Công ty Phát triển nhà và Dịch vụ nhà quận 1 - TPHCM (sau đâu gọi tắc là Công ty PT-DVN quận 1) bằng vàng đã cách đây 10 năm. Mới đây, toàn khu nhà ở bị giải tỏa để giao đất cho Nhà nước nhưng lại bồi thường bằng tiền khiến người dân bức xúc.
Hứa cuội
Năm 2000, ông Lê Ngọc Bình, nhà ở quận Bình Thạnh - TPHCM, có ký hợp đồng với Công ty PT-DVN quận 1 mua căn nhà số 97A6, diện tích 56 m2 gồm 1 trệt, 2 lầu, có sân thượng tại địa chỉ 97 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức với giá 115 lượng vàng SJC. Trong hợp đồng mua bán nhà đất, chủ đầu tư là Công ty PT-DVN quận 1 cam kết đây là khu dân cư được quy hoạch bài bản, ổn định lâu dài…
Sau khi ông Bình nhận nhà thì phía chủ đầu tư cho người dân thiếu nợ 15 lượng vàng để khi nào có sổ đỏ sẽ thanh toán hết. Cũng như ông Bình, hiện 23 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân dở khóc dở cười khi giá vàng tăng mạnh, khiến số nợ này đã tăng lên hàng chục lần.
Thế nhưng, số nợ nêu trên cũng không đáng nói bằng việc đến năm 2005, khu nhà ở này lại nằm trong quy hoạch làm dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và nhà họ sẽ bị giải tỏa. Trong khi tiền nhà chưa thanh toán xong, giá vàng thì ngày một tăng cao, còn tiền đền bù được tính thì lại quá “hẻo” đã khiến nhiều người điêu đứng.
Chủ một trong 23 hộ đã mua nhà ở đây cho biết năm 2010, mức giá đền bù mà TP áp cho nhà ông để giải tỏa khoảng 1,25 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 27 lượng vàng. Tuy nhiên, hiện nay ông đang nợ tiền mua nhà của chủ đầu tư (do chờ công ty bàn giao sổ đỏ sẽ trả) là 12 lượng vàng, tính ra ông còn 15 lượng để mua đất và xây nhà. “Hiện giá vàng khoảng 46 triệu đồng/lượng, tổng cộng khoảng trên dưới 800 triệu đồng, chỉ đủ mua đất, không còn tiền xây nhà. Đau khổ hơn, bỏ 100 lượng vàng mua nhà, giờ chỉ còn… 15 lượng” - ông than thở.
Lỗi “ông” quy hoạch!?
Để xảy ra tình trạng dở khóc dở cười này, theo lý giải chung của nhiều người là do “ông” quy hoạch (!?). Người dân cho biết phía chủ đầu tư dự án cho rằng mình không có lỗi bởi khi làm dự án năm 1996 đã được cơ quan chức năng của TP phê duyệt với đầy đủ các thủ tục pháp lý, công ty mới bán cho người dân.
“Khi thực hiện dự án, quy hoạch đường lúc ấy chỉ yêu cầu lùi 30 m (lấy tâm là đường ray chia đều ra hai bên, mỗi bên 30 m). Thế nhưng sau đó, cơ quan chức năng thay đổi tim đường, chỉ lấy một bên 60 m nên dự án phải di dời. Đây không phải là lỗi của công ty” - một đại diện Công ty PT-DVN quận 1 cho biết. Theo ông, sau đó quy hoạch bị thay đổi như thế nào, phía công ty không thể chịu trách nhiệm, còn khoản nợ của khách hàng thì vẫn phải thanh toán đủ.
Theo người dân, kinh phí cho giải tỏa đền bù và xây dựng tuyến Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài đã được phía đối tác là Tập đoàn GS của Hàn Quốc chuyển vào tài khoản của TP. Vậy tại sao ban giải tỏa đền bù dự án lại cứ ép giá bồi thường quá thấp mà không xem xét tới nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của người dân? “Nếu biết mua nhà theo giá kinh doanh rồi sau đó bị giải tỏa trắng thì ai dám mua. Dù sao sự việc cũng đã lỡ, chúng tôi chỉ mong được tái định cư theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP là nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ” - những hộ dân tại đây kiến nghị.
(Theo Người Lao Động)