Trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều chủ đầu tư sử dụng chiêu thức phổ biến là bắt tay cùng các sàn giao dịch làm thị trường, tạo giao dịch ảo nhằm đẩy giá, kích thanh khoản.
Cụ thể, các chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ phối hợp cùng sàn giao dịch tung ra một lượng căn hộ nhất định và tạo cảnh tranh mua, tranh bán hòng tạo giao dịch ảo, đẩy giá lên cao.
Thực tế cho thấy, trong khi thị trường địa ốc đang trầm lắng song khách hàng vẫn chứng kiến cảnh chen chúc nhau đặt mua tại hầu hết các lễ mở bán sản phẩm. Thậm chí, do không thể đặt mua được căn hộ nên nhiều người còn tỏ ra vô cùng tiếc nuối.
Vậy nhưng, tìm hiểu của phóng viên cho biết, thực chất đây chỉ là một trong những chiêu trò làm thị trường của các chủ đầu tư địa ốc.
|
Nhiều chủ đầu tư tung chiêu tạo giao dịch ảo để đẩy giá sản phẩm tăng cao.
(Ảnh minh họa) |
Theo một nhân viên sàn giao dịch bất động sản, việc đầu tiên trước lễ mở bán dự án là mỗi sale (nhân viên bán hàng) được giao chỉ tiêu mời tối đa 10 khách hàng. Trong trường hợp không tìm được khách mua, nhân viên phải mời bằng được bố mẹ và anh chị em họ hàng tới tham dự lễ mở bán, tạo không khí sôi động, đông đúc.
Tiếp đến, các sale phải tìm được người để đặt mua căn hộ. Nhiệm vụ của những người này là gọi điện cho các nhân viên môi giới, sàn giao dịch đang chào bán dự án để hỏi mua. Họ thậm chí còn chuẩn bị sẵn tiền để đặt cọc.
Trong đợt mở bán đầu tiên, chủ đầu tư thường ra hàng kiểu nhỏ giọt với khoảng 20-30 căn có giá phải chăng để hút khách, gia tăng tính hấp dẫn cho dự án. Những căn hộ sở hữu vị trí đẹp sẽ được các khách hàng "ảo" cùng nhau đăng ký đặt mua. Theo đó, nhiều khách hàng không thể mua được sản phẩm ưng ý, ra về trong hối tiếc bởi lượng căn hộ mở bán có hạn.
Tương tự, trong đợt mở bán lần 2, lần 3..., kịch bản này sẽ được tái diễn. Điểm khác biệt là, so với đợt mở bán trước đó, giá bán căn hộ sẽ được tăng thêm từ 3-5%.
Khách hàng căn hộ thuộc dự án 136 Hồ Tùng Mậu (TP. Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, vợ chồng anh có nhu cầu thực mua căn hộ để làm nơi định cư lâu dài. Giá bán căn hộ khởi điểm trong ngày mở bán đầu tiên khoảng 15 triệu đồng mỗi m2. Tuy vậy, vì hết hàng nên anh Hải không đặt mua được. Nếu muốn sở hữu căn hộ, anh buộc phải trả tiền chênh cho khách mua trước đó.
Anh Hải nhớ lại: "Nhân viên môi giới liên tục giục tôi phải nhanh chóng đặt mua ngay kẻo "mai kia giá còn tăng nữa". Sợ giá tăng, tôi đã đánh liều mua một căn hộ. Bất ngờ hơn, một tháng sau đi khảo giá lại, tôi phát hiện giá bán vẫn giữ nguyên, khiến mình có cảm giác như mình bị lừa".
Các nhân viên bán hàng cho biết, để tăng giá bán, chiêu trò phổ biến mà các chủ đất sử dụng là cho nhiều người đặt cọc giữ chỗ với lý do dự án quá "hot". Tuy nhiên, trong số này chỉ có một người là khách hàng thật, số còn lại là người quen. Theo kịch bản, những người này sẽ cùng "dàn cảnh" tranh mua lô đất. Khi đó, chủ đất sẽ tăng giá bán, người quen rút lui, người mua thật "dính bẫy" mua với giá cao hơn thực tế.
Theo một chuyên gia địa ốc, việc thổi giá của chủ đầu tư (những người có tiềm lực tài chính) là nguyên nhân tạo nên các đợt sốt đất dự án cục bộ. Trước hết, khi thị trường chưa sôi động, họ sẽ đổ quân đi lùng mua một số lô đất với giá thấp. Kế đến, nhóm người này sẽ mua tiếp những lô đất gần đó, hoặc mua đi bán lại chính các lô đã mua trước đó với mức giá cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thị trường, đồng thời tung tin khu vực bắt đầu nóng sốt hòng lôi kéo các nhà đầu tư khác.
Đối với chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị môi giới, vấn đề nan giải nhất trong bối cảnh thị trường dư cung hiện nay là áp lực bán hàng. Thế nên, để tìm hiểu thông tin, khách hàng cần tìm được đơn vị môi giới uy tín, tránh dính bẫy chiêu trò của giới buôn nhà đất.
Điều quan trọng nhất là người mua cần tự trang bị cho mình các thông tin về quy hoạch, tiềm năng khai thác của khu vực định mua. Mặt khác, người dân cần tìm đến các đơn vị quản lý nhà nước để tìm hiểu thông tin giá cả, quy hoạch...