Thời gian qua, tại thị trường Hà Nội, dư luận đã khá ồn ào về kịch bản xây dựng mới tới 999 siêu thị vào năm 2020 của Hà Nội.
Kế hoạch xây dựng mới 999 siêu thị vào năm 2020 của TP.Hà Nội
Hà Nội dự định sẽ gọi 521.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 25 tỷ USD) cho đại dự án “Quy hoạch mạng lưới bán lẻ Hà Nội đến năm 2020”.
Cốt lõi của quy hoạch này là sẽ xây dựng mới tới 999 siêu thị đã làm nóng dư luận trong thời gian qua.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang xôn xao việc làm thế nào để tìm kiếm cơ hội trước cánh cửa hội nhập sâu với thế giới thông qua TPP, các FTA… thì con số 999 siêu thị được xây mới đã gây nhiều bất ngờ và con số 521.000 tỷ đồng vốn đầu tư cần cho "đại dự án" này chắc chắn sẽ khiến không ít người phải giật mình.
"Giật mình" với kịch bản quy hoạch
Theo quy hoạch của TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại và 595 chợ dân sinh...
Trong đó, sẽ đầu tư thêm 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng một; 7 TTTM hạng hai; 16 TTTM hạng ba và 9 TTTM cấp vùng.
Đối với mục tiêu phát triển 595 chợ dân sinh, Hà Nội sẽ phải xây dựng mới 24 chợ hạng một, 79 chợ hạng hai, 478 chợ hạng ba. Dự kiến đến năm 2020, sẽ tiến hành nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ.
Đặc biệt, con số đáng chú ý hơn cả trong bản quy hoạch này chính là việc Hà Nội sẽ xây dựng mới 999 siêu thị, bao gồm 23 siêu thị hạng một (đại siêu thị), 111 siêu thị hạng hai và 865 siêu thị hạng ba.
Bản quy hoạch này chi tiết hơn hạng mục siêu thị Hà Nội như sau: Vùng đô thị trung tâm sẽ có tới 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng hai và 530 siêu thị hạng ba.
Vùng đô thị lõi mở rộng sẽ có tới 13 đại siêu thị, 57 siêu thị hạng hai và 396 siêu thị hạng ba. Chuỗi đô thị từ Sông Nhuệ đến vành đai IV với 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng hai và 172 siêu thị hạng ba.
Các khu đô thị như: Mê Linh (77 siêu thị), Đông Anh (88 siêu thị), Long Biên - Gia Lâm (98 siêu thị). Các đô thị vệ tinh sẽ có tới 338 siêu thị; các thị trấn khác khoảng 50 siêu thị…
Tổng vốn đầu tư cần có để thực hiện quy hoạch này lên tới khoảng 521.000 tỷ đồng (tương đương với khoảng 25 tỷ USD) chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn một từ 2011 đến 2020 sẽ cần khoảng 161.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai từ 2021 đến 2030 khoảng 360.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn này sẽ chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.
Kịch bản quá xa vời
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (nguyên là Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội) không khỏi băn khoăn trước đề án quy hoạch của thành phố. Bởi theo ông, việc xây siêu thị không phải đơn giản vì phải có vốn rất lớn, đơn cử như xây siêu thị quy mô như Metro, doanh nghiệp đã phải bỏ ra khoảng 18 triệu USD. Vậy nếu là 1.000 siêu thị tương đương, số tiền sẽ lớn đến mức nào.
Thậm chí, vị chuyên gia này còn khẳng định, nếu là 100 siêu thị thì còn có thể tin được, còn con số 1.000 thì đó là điều không thể. Vấn đề cốt lõi của dự án là nguồn vốn thi công. Thực tế hàng loạt các công trình đang xây dựng trên địa bàn Hà Nội hiện còn dang dở chủ yếu là do thiếu vốn, vậy tiền ở đâu ra để xây tới 1.000 cái siêu thị?
Không chỉ thế, "Nếu xây được 1.000 siêu thị, tổng cộng cả Hà Nội sẽ có khoảng hơn 1.100 siêu thị, vậy ai sẽ vào mua khi mà người nghèo vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo người giàu như hiện nay?", ông Phú cho biết.
Cuối cùng, ông Phú kết luận, trước khi quyết định xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, các nhà làm quản lý cần có một cái nhìn tổng thể về mạng lưới bán lẻ, cần phải xem việc xây dựng đó có hiệu quả ra sao đối với người dân.
Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc Hà Nội lên kế hoạch sẽ xây dựng 1.000 siêu thị có khả thi hay không còn tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hay kêu gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các chợ cóc, chợ dân sinh, chợ truyền thống... có được thay thế bằng các siêu thị không hay là xây hoàn toàn mới?
Theo ông: "Kế hoạch này là do nhà quản lý hoạch định, ông muốn làm thì ông sẽ làm chứ chả tính đến có phù hợp hay khả thi gì cả".
"Đến năm 2020 biết đâu GDP bình quân của Việt Nam lại lên tới mười mấy đến 20.000 USD/người thì việc xây 1.000 siêu thị sẽ đáp ứng được nhu cầu?", ông Ánh đặt kỳ vọng.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội tại Hội thảo bàn về vấn đề bán lẻ của Việt Nam trước thời điểm gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vừa được tổ chức mới đây cho biết, hiện nay sức mua của thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang có xu hướng giảm tốc, trong quý II/2014 thị trường này chỉ tăng trưởng khoảng hơn 8%.
Cũng theo thống kê của Sở này, hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện gồm có 418 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ đầu mối), 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức nào về kết quả kinh doanh của các siêu thị, tuy nhiên trong số 135 siêu thị hiện đang tồn tại kia không ít trường hợp cũng đang rơi vào cảnh "chợ chiều", thậm chí chỉ chờ đóng cửa.
Trong đó, có không ít cái tên từng một thời là danh tiếng của Hà Nội như: Trung tâm thương mại Việt Hưng (Gia Lâm) trước kia là chợ Việt Hưng; Chợ Hàng Da (Cửa Đông - Hoàn Kiếm); chợ Cửa Nam (Lê Duẩn); Chợ tạm Ngã tư sở (Thanh Xuân - Hà Nội) với 800 ki ốt ven sông Tô Lịch…
Đó là những ví dụ điển hình nhất cho việc mạng lưới bán lẻ của Hà Nội hiện nay, mặc dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng hễ cứ "lên đời" là lại ế ẩm.
"Xa vời", "Viễn vông", "Không thể làm"… là những cụm từ đầu tiên được thốt ra từ một vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ của Hà Nội khi đánh giá về kịch bản xây dựng 999 siêu thị vào năm 2020 của thành phố.