Nhà ở xã hội trong những năm gần đây đang thu hút được sự quan tâm lớn của người mua. Nắm bắt cơ hội, nhiều doanh nghiệp đang xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hộ. Điều này cảnh báo nguồn cung NƠXH có nguy thừa.
Nhà ở xã hội có nguy cơ thừa
Nguy cơ thừa nuồn cung NƠXH là rất lớn
Hiện nay, nhiều dự án NƠXH đang tạo được cơn sốt trên thị trường, bởi những dự án này không chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết thực từ phía người mua mà còn phía đầu tư cũng nhận được hưởng những ưu đãi từ chính sách như miễn, giảm tiền đất, tiền thuế, được vay vốn với lãi suất thấp, có đầu ra cho sản phẩm…
Thực tế, nhiều lãnh đạo các DN xin chuyển đổi dự án sang NƠXH không ngần ngại bày tỏ, mục đích xin chuyển đổi là để được hưởng những ưu đãi và giải quyết vấn đề tồn kho.
Qua khảo sát, trong số 24 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi sang NƠXH, Hà Nội có 6 dự án với hơn 8.000 căn; TPHCM có 16 dự án với hơn 12.000 căn; Đồng Nai có khoảng 4.700 căn…
Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra ở đây là, giá NƠXH tại Hà Nội cao hơn giá nhà ở thương mại giá rẻ, dẫ đến thực trạng "chúng ta đang thiếu NƠXH phù hợp với khả năng tài chính của người nghèo đô thị, nhưng đang thừa NƠXH giá cao", chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.
Hiện giá nhà ở thương mại liên tục giảm xuống còn 10 triệu đồng/m2, trong khi giá NƠXH vẫn ở mức từ 13 đến gần 15 triệu đồng/m2. “Có nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước với chủ đầu tư NƠXH (nhằm kéo giá nhà thấp hơn nhà ở thương mại), thế nhưng, thực tế đang diễn biến ngược lại. Không hiểu những ưu đãi của Nhà nước với dự án NƠXH đi đâu?”, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nói.
Và "nếu không kiểm soát tốt việc DN đua nhau xin chuyển sang NƠXH sẽ có nguy cơ thừa cung", ông Hùng cũng cảnh báo.
Nguồn vốn khó tiếp cận
Đến nay, dù đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng như mở rộng đối tượng vay, nâng thời hạn vay từ 10 năm lên 15 năm, nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng vẫn chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ ấy là do thủ tục vay vốn còn ngặt nghèo.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng, khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu các DN phải có 30% vốn tham gia vào dự án, trong khi đa số DN đi vay đang gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, việc yêu cầu DN theo nội dung trên gây cản trở khi tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư dù đã có 30% tổng mức đầu tư nhưng vẫn rất khó tiếp cận vốn, nhất là những dự án xin chuyển từ nhà thương mại sang NƠXH.
Bởi một điều, về nguyên tắc, Bộ Xây dựng không giữ nguồn tiền này, chỉ thẩm định, giới thiệu dự án có đủ điều kiện sang ngân hàng (NH). Trong khi đó, theo báo cáo của UBND TPHCM, tính đến ngày 25/8, mới chỉ có 2 DN tại TPHCM được vay vốn 658 tỷ đồng trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án đã được cho phép chuyển đổi, và Bộ Xây dựng đã có danh sách gửi ngân hàng thương mại xem xét cho vay. Thế nhưng, khi thẩm định khả năng tài chính của DN, nhiều ngân hàng không dám cho vay vốn vì đang có nợ xấu...
Việc Hà Nội đang nghiên cứu phát hành trái phiếu Thủ đô để tăng nguồn vốn cho NƠXH khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Theo họ, thành phố đang quá chú trọng phân khúc này, trong khi nguồn vốn xây dựng bệnh viện, trường học thiếu trầm trọng nhiều năm qua. "Gói 30.000 tỷ đồng chưa xong lại dồn thêm tín dụng mới sẽ khiến vốn chồng chéo nhau và không giải quyết được bài toán vốn cho DN. Mặc dù tính chất 2 nguồn vốn khác nhau, nhưng mục tiêu cho NƠXH không cần thiết trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bão hòa", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá.