Thị trường bất động sản (BĐS) trong năm nay được dự báo là sẽ tiếp tục ổn định và không có nhiều biến động, tuy nhiên nguồn cung đang có dấu hiệu “lệch pha”.
Trong khi đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích vừa và nhỏ thì nguồn cung nhà ở cao cấp lại nhiều hơn, thông tin từ Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Nhiều dự báo cho rằng từ nay đến cuối năm, sẽ dư nguồn cung căn hộ cao cấp, thiếu nguồn cung nhà bình dân. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư thứ cấp có xu hướng tăng, nhiều người dân đầu tư mua nhà cho thuê nên nhiều khả năng làn sóng đầu cơ sẽ xuất hiện gây bất ổn cho thị trường.
Thị trường BĐS tại Hà Nội và Tp.HCM có lượng cung hàng hóa khá lớn, chủ yếu là căn hộ trung và cao cấp nhưng mới đang ở giai đoạn làm xong móng. Tuy nhiên, gần đây lượng giao dịch cũng có xu hướng chững lại, không tăng trưởng mạnh mẽ như thời gian trước.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu hai thành phố này đánh giá lại nhu cầu nhà ở của thị trường khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn thị trường.
Nhìn chung giá nhà ở trên thị trường bất động sản cả nước không có nhiều biến động so với năm 2015.
Tại Hà Nội, giá nhà ở trong khu vực nội đô (tính bên trong đường vành đai 3) tại một số dự án đã hoàn thiện và sắp được đưa vào sử dụng tăng khoảng 3-5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2015, chỉ số giá giao dịch căn hộ chung cư cao cấp trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Cầu giấy tăng từ 1-2%.
Mức gia tăng nhẹ tập trung vào nhóm các dự án có một số “ưu điểm” được khách hàng ghi nhận như: dự án mới triển khai nằm tại các vị trí đẹp, sắp hoàn thành; có thiết kế căn hộ hiện đại với diện tích phù hợp; dự án tại khu vực đã có hạ tầng hoàn thiện, không quá xa trung tâm giá bán tăng nhẹ. Hầu hết các dự án này nằm tại khu vực Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm...
Thị trường nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội giá cả ít biến động và giao dịch phần lớn vẫn từ thứ cấp do lượng cung sản phẩm mới trong phân khúc này khá hạn chế.
Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại một số khu vực tăng nhẹ do ảnh hưởng của việc cải thiện điều kiện hạ tầng, nhất là tại những khu vực nội đô có những tuyến đường được chỉnh trang, mở rộng.
Nguồn cung thị trường BĐS đang “lệch pha” (ảnh minh họa)
Theo Hiệp Hội bất động sản Tp.HCM, giá phân khúc cao cấp tại thị trường nhà ở tại Tp.HCM tăng nhẹ, thậm chí giá nhà tại một số dự án cao cấp tăng từ 5-15% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, nhà ở phân khúc trung cấp, bình dân tại các quận, huyện vùng ven thì vẫn giữ mức giá tương đối ổn định.
Trong những tháng đầu năm, mức hấp thụ của bất động sản cao cấp khá tốt nhưng điều này cũng chưa đủ căn cứ để các chủ đầu tư dồn lực vào phân khúc này. Do đó, mỗi chủ đầu tư cần có một kế hoạch để đảo bảo hiệu quả kinh doanh và quan trọng hơn cả là không bị chôn vốn trong lượng hàng tồn kho như lịch sử thị trường giai đoạn trước.
Hiện, phân khúc bình dân và cao cấp vẫn trong tầm ngắm của đại bộ phận khách hàng, nhất là những người có thu nhập chưa cao và đang thực sự cần nhà ở.
Về chính sách, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1013/2016 về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ với lãi suất cho vay ưu đãi là 4,8%/năm, tương đương 0,4%/tháng.
Đây là một thông tin được nhiều người dân trông đợi bởi mức lãi suất này thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất vay từ gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Tuy nhiên, để dòng vốn này được giải ngân vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn tiền tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cũng các quy định, chính sách liên quan đến nhiều bộ, ngành…
Bộ Xây dựng cho hay trên thực tế, hiện kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP vẫn chưa được cân đối và bố trí.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai.
Trường hợp việc cân đối nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 có khó khăn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo 4 tổ chức tín dụng thực hiện trước, ngân sách sẽ cấp bù vào các năm sau.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở để làm cơ sở quyết định đầu tư các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch và kế hoạch; bảo đảm cung cầu ổn định, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.
Các địa phương trọng điểm cần tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thay cho việc giao đất, cho thuê đất, chỉ định nhà đầu tư nhằm tạo sự công khai, minh bạch thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Thêm một vấn đề được hầu hết doanh nghiệp rất quan tâm khi tham gia phát triển nhà ở tại các địa phương là công khai quy trình chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chuyển nhượng một phần dự án và có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một phần dự án đã giải phóng mặt bằng mà doanh nghiệp có nhu cầu chuyển nhượng (không nhất thiết phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật) theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.