Thói quen kinh doanh bám đường của người Việt đã khiến cho thị phần nhà mặt phố cho thuê giữ vững phong độ dù mức giá có xu hướng tịnh tiến.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trước chiến dịch "đòi lại vỉa hè cho người đi bộ" của chính quyền, giá thuê nhà phố tại các quận trung tâm Hà Nội có phần hạ nhiệt.
Mặt tiền “hụt hơi”
Theo bà Ánh, một “cò” dẫn khách quen thuộc có trong tay hàng chục đầu mối nhà phố lẻ tại Hà Nội, cuối năm 2016, nhà mặt phố cho thuê tại những tuyến phố tấp nập như Thái Hà, Chùa Bộc, Cầu Giấy... vẫn đông người tìm mặt bằng thuê kinh doanh. Càng các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình... càng nhiều khách tranh nhau. Thế nhưng, từ tháng 2/2017, diễn biến của phân khúc này có dấu hiệu “chùng” xuống với chiến dịch “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ". “Thời điểm này, lượng người dò giá nhiều hơn là thuê, mua. Vỉa hè tại các nhà mặt phố trung tâm thường hẹp, quay tới quay lui đã vướng kín xe. Các điểm giữ xe xung quanh thì đều quá tải nên lợi thế mặt phố lại thành bất lợi. Nhiều nhà đầu tư vì thế đang "hoãn" giấc mơ kinh doanh, chờ thời gian. Nếu khách nào cũng muốn dẫn đến xem mặt bằng cửa hàng mà không tìm hiểu ngay là họ đã cần thật hay chưa thì lãi chẳng bù công" - bà Ánh chia sẻ.
Một cửa hàng trên phố Thái Hà giăng biển cho thuê mặt bằng.
Ảnh: Phạm Hùng
Dọc trên nhiều tuyến phố trung tâm, theo quan sát của phóng viên, những tấm biển "cho thuê cửa hàng", "Nhượng lại mặt bằng"... xuất hiện khá nhiều. Chỉ riêng đoạn đường 200m cuối phố Đê La Thành đã có tới 3 nhà mặt phố treo bảng tìm khách kèm số điện thoại liên hệ. Tình trạng tương tự diễn ra trên một số trục đường khác như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Minh Khai, Thái Thịnh… Chủ cửa hàng Jeans và Kaki ở số 8, phố Tây Sơn, quận Đống Đa cho biết: “Mới đây, Công an phường đã tiến hành đập bỏ phần trụ thừa lấn chiếm vỉa hè theo đúng quy hoạch của ngôi nhà. Đồng thời yêu cầu các chủ kinh doanh cam kết không được để xe trên vỉa hè. Giờ mà đề nghị khách hàng gửi xe chỗ khác rồi đi bộ về cửa hàng thì chắc họ… đi luôn”.
Hàng loạt quán kinh doanh café, dịch vụ, đồ ăn vặt... trên các tuyến đường Hồ Đắc Di, Đền Lừ... cả tháng này cũng đìu hiu. “Tâm lý khách hàng ăn đồ nướng thường thích ngồi ngoài vỉa hè cho thoáng nên chúng tôi vẫn “linh động” xếp chỗ cho khách. Tuy nhiên, khi thấy bóng dáng công an lại hô hoán khách tháo chạy để bê đồ đạc vào bên trong. Lâu dần, khách cũng thấy bất tiện nên ghé quán thưa dần” - anh N., kinh doanh quán lẩu, đồ nướng trên đường Bạch Mai giãi bày.
Trong ngõ bỗng “sốt”
Thuê một cửa hàng để kinh doanh quán cơm văn phòng trên phố Liễu Giai, diện tích 100m2, mặt tiền 5m dù chủ nhà cam kết không tăng giá so với năm ngoái nhưng gia đình anh Hùng lại đang tính nhượng lại mặt bằng. “Dạo này làm ăn khó khăn, về lâu phải xoay xở tìm chỗ để xe cho khách thay vì để trên vỉa hè như trước nên không kham nổi. Hiện, đồ đạc đang còn mới đến 70%, sẽ chuyển nhượng giá rẻ 160 triệu đồng bao gồm 2 tháng tiền nhà (18 triệu đồng/tháng) cho khách có nhu cầu” - anh Hùng chia sẻ.
Không ít chủ cửa hàng kinh doanh ở các tuyến phố lớn, trong khu vực trung tâm vào giai đoạn này cũng đã trả cửa hàng, tìm thuê cửa hàng tại những khu phố nhỏ, có giá thuê thấp hơn. Việc kinh doanh trong ngõ được nhiều hộ kinh doanh lựa chọn bởi nhiều ưu thế đối với cả người bán và người mua. Với người bán, thuê được mặt bằng kinh doanh rộng mà chi phí rẻ hơn nhiều so với mặt phố, lại được treo biển hiệu quảng cáo kích cỡ tùy ý (?). Từ đó, có điều kiện cạnh tranh về giá cả và không phải đau đầu về chỗ để xe cho khách hàng. Người mua cũng vậy, không phải lo không có chỗ gửi xe, lại mua được hàng hóa, dịch vụ với giá rẻ hơn.
Không chỉ ẩm thực, các lĩnh vực khác cũng không ngoại lệ, có khá nhiều cửa hàng kinh doanh theo kiểu “ngõ cụt” rất đông khách. Shop quần áo rộng chưa đầy 50m2 trong ngõ gần Đài Truyền hình Việt Nam – Nguyễn Chí Thanh hầu như lúc nào cũng tấp nập người xem và thử đồ. So với giá thuê gần 4.000 USD/tháng trên mặt phố Ấu Triệu (Hoàn Kiếm) để kinh doanh giày dép thì mức giá 12 triệu đồng/tháng trong ngõ 49 Trần Đăng Ninh dễ chịu hơn nhiều. Kết hợp tận dụng kênh online, từ website, mạng xã hội cho tới diễn đàn, trang rao vặt… để tạo nên thương hiệu, thu hút khách hàng biết về shop và chỉ cần có một địa điểm để khách tới xem và thử hàng là xong. Tính ra, trừ chi phí mỗi tháng, lãi lời cao hơn hẳn so với kinh doanh ở phố cổ. Đây chính là xu hướng đang được nhiều người lựa chọn.
Chuyên gia nhận định
Xáo trộn trong ngắn hạn
|
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến cho biết, trước những diễn biến lập lại trật tự vỉa hè thời gian gần đây, độ “chùng” của thị phần nhà phố cho thuê là có. Đặc thù của phân khúc này là phụ thuộc đến 90% vào không gian vỉa hè trước cửa hàng. Vỉa hè càng rộng, thoáng, giá thuê sẽ càng đắt. Do đó, khi yếu tố này bị xáo trộn thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng, khách thuê dè dặt cũng là dễ hiểu. Dù vậy, chỉ là trong thời gian ngắn hạn, bởi sau khi vỉa hè được trả lại đúng chức năng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tính đến thực hiện bố trí dung hòa các chức năng tiếp theo của nó là: Đi bộ và để xe. Tất nhiên, diện tích cho các phương tiện cá nhân dừng, đỗ sẽ được bố trí khoa học và hợp lý hơn. Đặc biệt, thói quen mua hàng của người Việt vẫn thích những nơi tiện lợi ở mặt đường. Phần khác do giá thuê nhà mặt phố với giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại gần như ngang nhau, nhưng lượng khách đến mua sắm ở những cửa hàng mặt phố thường đông hơn ở trung tâm thương mại nên nhà mặt phố vẫn được nhiều người ưu tiên chọn thuê. Số lượng nhà mặt phố cho thuê còn lại cũng không nhiều nên thị trường này vẫn tiềm năng.
|
Theo Kinh tế & Đô thị Online