Có khoảng 1.400 dự án căn hộ trên địa bàn TP.HCM, dẫn đầu và chiếm hơn 30% tổng lượng dự án chung cư cả nước.
Đại diện Bộ Xây dựng tại buổi tọa đàm Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận đã cho biết, hiện có khoảng 4.400 dự án chung cư trên cả nước, trong đó, 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn chiếm hơn một nửa nguồn cung. Cụ thể, có khoảng 1.000 dự án tại Hà Nội và khoảng 1.400 dự án chung cư tại TP.HCM, đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng công trình nhà ở cao tầng.
Tuy nhiên, TP.HCM có tới gần 500 nhà ở chung cư được xây từ thời điểm trước năm 1975. Đây đa phần là những công trình thấp tầng, không có thang máy, đã hư hỏng, xuống cấp, bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn và nằm trong diện cải tạo, xây mới.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, chung cư đang và sẽ trở thành sản phẩm chủ đạo, dẫn dắt thị trường nhà ở Sài Gòn. Trong đó, phân khúc căn hộ chiếm tới 94,2% tổng nguồn cung nhà ở tại các dự án phát triển kể từ năm 2018.
Tại các hội nghị nhà ở, Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhiều lần tuyên bố rằng, chung cư sẽ là loại nhà ở chủ lực trong chiến lược phát triển đô thị hơn một thập kỷ tới. Theo đó, nhà ở cao tầng sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản Sài Gòn. Tốc độ phát triển nhà chung cư tại địa phương này còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong 10-15 năm tới.
|
Số lượng nhà ở cao tầng Sài Gòn đang dẫn đầu cả nước. Ảnh: Trần Quỳnh |
Savills Việt Nam tại báo cáo mới nhất về thị trường nhà ở TP.HCM cũng đã dự báo, ước tính thị trường đến năm 2021 sẽ có thêm 100 dự án được mở bán với hơn 154.000 căn hộ. Trong đó, sẽ có khoảng 66.000 sản phẩm được tung ra trong năm 2019, chủ yếu đến từ khu Đông Sài Gòn.
Song, nguồn cung có thể bị sụt giảm cục bộ trong giai đoạn 2018-2021 do định hướng hạn chế cấp phép dự án nhà ở cao tầng mới của chính quyền thành phố. Tổng nguồn cung sơ cấp chào bán lần đầu trên toàn thị trường (cả cũ lẫn mới) trong quý 1/2019 đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm 34% theo quý và 57% theo năm.
Số lượng nhà ở cao tầng ngày càng tăng nhanh tại Sài Gòn cũng như trên cả nước, song, vấn đề đáng lưu tâm nhất chính là chất lượng sống. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tranh chấp chung cư hiện đang chiếm khoảng 10% tổng số dự án trên cả nước và diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, nội dung tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì, diện tích chung riêng, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm bầu ban quản trị, chậm bàn giao sổ hồng... là chủ yếu.
Còn theo kết quả nghiên cứu của Công ty Venus, một đơn vị có thâm niên hoạt động trong ngành quản lý vận hành chung cư, chất lượng của các toà nhà chung cư có tuổi đời dưới 3 năm thường khá đảm bảo và vận hành ổn định.
Nhưng từ năm thứ 4 trở đi những dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng sẽ bắt đầu xuất hiện, nhất là các hạng mục như thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống nước, xử lý rác... khiến chất lượng của bất động sản bị xuống cấp rõ rệt. Cũng từ thời điểm này, các tranh chấp tại chung cư bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.