Cùng với lãi suất ngân hàng có nhiều biến động, thị trường BĐS còn phải đối mặt với thách thức lớn về dòng vốn khi Thông tư 06 chính thức được triển khai đầu năm sau. Năm 2017, theo nhiều chuyên gia, sẽ là năm khó khăn cho thị trường BĐS.
Kể từ ngày 1/1/2017, hàng loạt chính sách tài chính áp dụng cho khối ngân hàng sẽ bắt đầu có hiệu lực. Quy định siết chặt dòng vốn đầu vào thị trường thông qua Thông tư 06 (sửa đổi từ Thông tư 36) của chính phủ là một trong những chính sách đáng chú ý. Chính sách này sẽ tác động trực tiếp lên dòng vốn cho vay của BĐS.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từ trước đến nay, thị trường BĐS luôn gắn liền với kinh tế vĩ mô. Một khi nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định thì thị trường BĐS sẽ tăng trưởng tốt, ít rủi ro hơn. Năm 2017, thị trường BĐS Việt Nam sẽ gặp những thử thách lớn do tác động từ kinh tế vĩ mô và vấn đề về vốn đầu tư. Từ năm 2012 đến năm 2015, GDP Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 6,8%/năm. Trong năm 2016, GDP trung bình cả nước chỉ tăng trưởng ở mức 6 - 6,3%. Sang năm 2017, kinh tế thế giới được dự báo có nhiều biến động. Thực tế này có thể khiến GDP của Việt Nam phát triển theo hướng đi ngang. BĐS có sự liên hệ mật thiết đến kinh tế vĩ mô, rất có thể cũng sẽ hoạt động theo hướng đi ngang hoặc trì trệ. Vì thế, dù lạc quan với thị trường BĐS 2017, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nhà đầu tư nên giữ tâm thái lạc quan trong sự cẩn trọng.
Tìm kiếm dòng vốn trong dân là một giải pháp tốt khi
ngân hàng siết chặt cho vay
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng không như kỳ vọng, những diễn biến mới nhất về tỷ giá Việt Nam đồng, USD Mỹ và lãi suất vay, cho vay của hệ thống ngân hàng khiến nhiều chuyên gia không lạc quan về mức tăng trưởng của thị trường BĐS 2017. Theo ông Võ, năm 2016, thị trường chưa chưa khai thác hiệu quả nguồn tiền trong dân. Thông tư 06 có 2 điều khoản quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến BĐS gồm: Chính phủ siết chặt quản lý nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kéo tỷ lệ này xuống 50% thay vì 60% như hiện tại. Hệ số rủi ro trong đầu tư và kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200%. Động thái trên đã giới hạn hoạt động tín dụng của các ngân hàng ở khu vực BĐS. Theo ông Võ, nếu năm 2016 chỉ mới có một số ngân hàng siết lại dòng vốn vay thì năm 2017, xu hướng này sẽ tiếp tục mở rộng. Nguồn vốn hoạt động kinh doanh BĐS, cho vay BĐS hẹp lại, tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó khăn hơn.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, ngành BĐS cần đa dạng hóa loại hình đầu tư. Hiện nay, thị trường BĐS cũng như hệ thống tài chính ngân hàng cần lưu tâm đến việc đa dạng hóa dòng vốn vào BĐS. Ngoài ra, việc thành lập một quỹ tín thác BĐS rất cần thiết vì đây vốn là kênh đầu tư quan trọng, phổ biến ở các nước phát triển. Việt Nam theo đó hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển loại hình quỹ tài chính này, cần bắt đầu triển khai càng sớm càng tốt.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam nhìn nhận, nguồn vốn ngoại cũng là một kênh đầu tư hiệu quả nhưng chỉ mang tính chất khơi thông. Nguồn vốn chủ đạo trên thị trường vẫn là của các DN BĐS trong nước.
Ông Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa đánh giá, siết tín dụng BĐS sẽ chỉ ảnh hưởng đến các DN vừa và nhỏ còn các DN lớn sẽ không chịu tác động nhiều. Ông Quang giải thích, các DN có khả năng tài chính ổn định sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Lãi suất cho vay theo đó sẽ tăng trong năm 2017 nên DN lớn với hậu thuẩn từ ngân hàng dễ đưa ra các chính sách bán linh động, lãi suất ưu đãi. Nhờ đó nguồn cầu của họ cũng mạnh hơn so các chủ đầu tư nhỏ.
Theo các chuyên gia, dòng vốn có thể bị siết chặt trong năm 2017 nhưng những phân khúc nhà trung cấp, bình dân, nhà ở xã hội vẫn sẽ tăng trưởng ổn định. Các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cùng sự điều tiết dòng tiền từ phía ngân hàng để đảm bảo thị trường phát triển ổn định.