Khi cơn sốt bất động sản 2007 qua đi, kéo dài đến đáy khủng hoảng 2012-2013, nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản, nợ nần chồng chất.
Bị cuốn vào làn sóng đầu tư BĐS tại Bình Dương năm 2006-2007, ông Khải đã mất nhiều năm nếm trải sự chát đắng của đợt khủng hoảng sau cơn sốt đất. Năm 2006, nhà đầu tư này đã gom được 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi và đầu tư 10 lô đất giá rẻ tại Mỹ Phước, Bình Dương vì nhận định thị trường tăng trưởng nóng, đầy tiềm năng. “Môi giới chào hàng với tôi là Bình Dương đã được quy hoạch bài bản và đầu tư đồng bộ, lại nằm gần Tp.HCM. Lợi nhuận tại kênh đầu tư này trung bình đạt 15-20% trở lên”, ông nhớ lại.
Đầu năm 2007, ông Khảo sang tay 10 lô đất, đạt mức lợi nhuận 20%. Quá hào hứng, nhà đầu tư này tiếp tục thế chấp căn nhà tại quận 2, Tp.HCM để đầu tư tiếp 5 tỷ đồng vào 5 lô đất nền có vị trí đẹp tại TP mới Bình Dương, giá đắt hơn rất nhiều so với giá đất tại Mỹ Phước. Tuy nhiên, từ đó đến năm 2012, nhà đầu tư này chỉ toàn thua lỗ.
Năm 2008, lãi suất ngân hàng lên cao, từ 9-10% đã tăng vọt lên 17-18%, thị trường BĐS bước vào giai đoạn tiền khủng hoảng. Giá đất đi ngang rồi đi xuống trong một thời gian dài. Ông Khải cố gắng cầm cự được đến năm 2009 thì phải bán dần 3 nền, chấp nhận cắt lỗ tiền tỷ vì giá giảm và phải bù mức lãi suất gấp đôi so với lúc vay. Đến năm 2011, chỉ còn lại 2 nền đất biệt thự, nhà đầu tư này quyết định tháo nốt vì diễn biến thị trường ngày càng xấu đi, không biết khi nào mới "tan băng".
Năm 2012 Chính phủ quyết định thắt chặt tín dụng BĐS, thị trường đón nhận nhiều tin tiêu cực. “May mà tôi đã kịp thoát hết hàng để tập trung vay mượn họ hàng mượn vốn để chuộc lại căn nhà đang thế chấp. Nếu còn giữ đất, giờ này có lẽ tôi phải sống cảnh vô gia cư vì ngân hàng ăn hết vốn liếng mà còn phát mãi căn nhà”, ông Khải nói.
Sốt đất vùng ven năm 2017 thời gian vừa qua được đánh giá không nguy hiểm
bằng cơn sốt hồi năm 2007 nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thoát nỗi
ám ảnh nhà đất từ thời hoàng kim rơi xuống đáy khủng hoảng
2007-2012. Ảnh: Vũ Lê
Là người buôn bán nhỏ nhưng cũng bị hấp dẫn bởi sức nóng của BĐS, năm 2007 chị Dung đã lặn lội từ Buôn Mê Thuột vào Sài Gòn để tìm hiểu thị trường giữa lúc cơn sốt địa ốc lên cao. Thời điểm đó, thị trường căn hộ và nhà đất tại Tp.HCM đang tăng giá mạnh, giao dịch sôi động, nhà đầu tư liên tục thu lợi lớn. Năm 2008, chị Dung chính thức nhập cuộc.
Chỉ sau vài tháng nhìn thấy màu hồng, nhà đầu tư này đã gặp cú sốc lớn khi thị trường chuyển từ giai đoạn nóng sốt sang khủng hoảng. Chị Dung đã cầm cố căn nhà 2 tầng, vét hết vốn liếng, gom 3,5 tỷ đồng để mua 7 căn hộ thuộc dự án căn hộ tại khu Nam Tp.HCM, định sẽ bán 5 căn để xoay tiền. Nhà đầu tư này đã chi hàng trăm triệu để trả phí chênh lệch cho 7 căn hộ nêu trên, dao động 110-150 triệu đồng/căn. Nếu cộng thêm số tiền cọc 50 triệu đồng cho mỗi căn hộ thì khoản tiền này đã lên đến bạc tỷ.
Sau 10 tháng trả lãi, sắp đáo hạn nợ gốc, dự án bị lộ tẩy chỉ mới hình thành trên giấy và bán lố tầng, chị Dung bị ngân hàng treo án phát mãi căn nhà ở quê. "Bất đắc dĩ, tôi trở thành kẻ trắng tay, phải bỏ xứ đi đòi nợ. Tôi đứng trước hai cơn bão, vừa có thể mất nhà, vừa mất cả gia sản. Đó là những tháng ngày tôi ân hận muộn màng", chị tâm sự.
Là chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ buôn xe, có dòng vốn kha khá, nhận thấy BĐS đầy tiềm năng và tăng trưởng mạnh năm 2006, năm 2007 ông Mỹ đã quyết chuyển sang làm nhà đất. Thế nhưng, đỉnh cơn sốt 2007 nhanh chóng trôi qua, để lại phía sau những năm dài khủng hoảng, ông Mỹ bị nợ tứ bề và rơi vào chuỗi ngày điêu đứng.
Từ giai đoạn 2008-2012, giá căn hộ và nhà đất đều giảm mạnh, giao dịch đóng băng, lãi suất ngân hàng tăng cao, có lúc vượt ngưỡng 20%. Dự án căn hộ của ông Mỹ tại quận 8 bị đình trệ liên tục 5 năm vì thiếu vốn để thực hiện. Các đối tác cứ lần lượt đến rồi đi, mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng dự án đều không thành vì thị trường quá khó khăn. 5 năm liền gia đình ông ăn Tết trong cảnh chủ nợ bủa vây, đến cuối năm 2013 thì công ty bị siết đồ đạc.
Khi cơn sốt đất tại Tp.HCM bùng nổ trong những tháng đầu năm 2017, một nữ doanh nhân đã chia sẻ trên trang cá nhân hàng loạt những cảnh báo về việc cần thận trọng với bong bóng BĐS đang được bơm căng và đừng đầu tư bằng tiền vay ngân hàng.
Bà không ngại chia sẻ câu chuyện đầu tư xương máu của bản thân hồi năm 2007-2008. Thời điểm đó, bà tự nhận mình đang say sưa với cơn sốt nhà đất. Bà đã đầu tư với vốn tự có là 50% và vay ngân hàng 50%. Tuy nhiên, lãi suất đang ở mức 9-10% thì chỉ sau một đêm, ngân hàng tăng lên 17-18%, thậm chí cao điểm là tới 25%.
Nữ doanh nhân này cho biết, trong 3 năm, tiền lãi suất đã ăn hết 50% đến 60% số vốn của bà. Trong khi đó, BĐS lại giảm tùy vào khu vực, nơi giảm ít nhất cũng 30-60%. “Làm bài tính đơn giản thì đã biết bạn không những trắng tay mà còn nợ thêm ngân hàng, nếu bạn chỉ sử dụng 50% vốn vay”, nữ doanh nhân phân tích.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, vào chu kỳ đáy của cuộc khủng hoảng BĐS 2007-2012, tính đến 31/12/2012, số đơn vị kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp, so với nưm 2011 đã tăng hơn 2.000. Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637, trong đó có 2.110 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh BĐS. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể đã tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh BĐS tăng 24,1%.