Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HOREA), đây là thời điểm người dân nên mua nhà vì giá bất động sản hiện đang ở “vùng đáy”.
Người dân nên mua nhà tại thời điểm này. (Ảnh minh họa).
Theo báo cáo mới đây của HOREA, có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng khủng hoảng thừa trong phân khúc thị trường bất động sản cao cấp do có nhiều dự án bất động sản thuộc phân khúc này được khởi công, chào bán trên thị trường trong thời gian gần đây.
HOREA cũng nhận định, các chủ đầu tư với tầm nhìn xa trông rộng và chiến lược kinh doanh, chắc chắn không bao giờ dám phiêu lưu để đưa ra thị trường lượng căn hộ khổng lồ mà mình không có hướng điều tiết tốt để dẫn đến tình trạng “phải chết trên đống tài sản của mình”.
Vì vậy, khi tung ra thị trường một lượng mặt hàng lớn như vậy, chắc chắn các nhà đầu tư đã phải nghiên cứu kỹ nhu cầu và có tiến độ cung ứng phù hợp để không bị rơi vào thực trạng “bội thực” nguồn cung như trước đây.
Xuất phát từ nhận thức về nhu cầu luôn có của thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phân khúc thị trường bất động sản cao cấp làm kênh đầu tư. Tình trạng tồn kho quá lớn của thị trường bất động sản cao cấp trước đây là do các sản phẩm có diện tích quá lớn, vị trí còn chưa được tốt, chất lượng và tiện ích nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng trước đây còn cao và khó tiêu thụ.
Khắc phục nhược điểm trên, các doanh nghiệp phát triển bất động sản cao cấp hiện đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm phù hợp hơn, có sự cải thiện rõ rệt về vị trí, chất lượng, cũng như tiện ích và giá cả cũng "mềm" hơn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn chủ động kết nối với ngân hàng và hỗ trợ các thủ tục thanh toán cho người mua nhà một cách linh hoạt.
Ngoài ra, nội dung đổi mới của Luật Nhà ở 2014 đã tạo điều kiện thông thoáng cho Việt Kiều và người nước ngoài mua nhà, làm tăng nguồn cầu cho thị trường bất động sản cao cấp. Các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lớn của thị trường này cũng đã xuất hiện với hình thức mua đi bán lại hoặc mua để cho thuê.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện giá bất động sản đang chạm đáy. Trong khi đó, người mua nhà vẫn đang có tâm lý chờ giá giảm thêm nhưng về tổng thể giá cả lại đang có xu thế nhích dần lên. Vì thế, năm 2015, là thời điểm phù hợp để người có nhu cầu mua nhà xuống tiền tìm chốn an cư.
Theo dự báo của HOREA, năm 2015, thị trường bất đống sản sẽ tiếp tục chứng kiến sự hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc. Và căn hộ vừa và nhỏ với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, rộng hơn là từ 20 triệu/m2 trở xuống vẫn chiếm lĩnh thị trường; bên cạnh đó, phân khúc cao cấp, văn phòng cho thuê, bất động sản thương mại, dịch vụ hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra những điểm sáng tích cực; thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) được nhận định cũng sẽ phát triển mạnh.
Song cũng cần nhìn nhận về khó khăn của thị trường trong năm 2015 vẫn là việc giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là hàng tồn kho cao cấp, nợ xấu để giúp tái cấu trúc thị trường bất động sản ổn định, bền vững, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư. Từ đó, sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn theo kiểu chụp giật, tay không bắt giặc, tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh và lành mạnh cho thị trường.
Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015 tới, sẽ tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Có nhiều chế định mới hỗ trợ rất tốt cho thị trường bất động sản như cho phép chuyển nhượng dự án tự do nếu có quỹ đất sạch; cho phép Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà…
Nhưng theo HOREA, vẫn còn có một số chế định gây quan ngại cho doanh nghiệp, đơn cử là vấn đề về tiền sử dụng đất, đây được xem sẽ tiếp tục là một “ẩn số” và là một “gánh nặng” cho phía chủ đầu tư. Hay các khoản chi phí như “chi phí ký quỹ” và “chi phí bảo lãnh” bất động sản hình thành trong tương lai cũng sẽ là những chế định làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành bất động sản. Đây là những nội dung hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành bất động sản mà người tiêu dùng sẽ là đối tượng cuối cùng phải gánh chịu.