Theo giới chuyên gia, thị trường địa ốc Việt Nam, đặc biệt là phân khúc bất động sản sẽ chịu tác động mạnh bởi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ năm 2018. Với vị trí địa lý giáp ranh Trung Quốc, bất động sản công nghiệp phía Bắc biến động mạnh mẽ nhất.
Thương chiến Mỹ - Trung không phải là chất xúc tác duy nhất
Trong những năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam gia tăng liên tục. Theo đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng có những bước tiến mạnh mẽ, chưa cần tới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tốc độ tăng trung bình của vốn FDI giải ngân đạt từ 9-10% mỗi năm. Số vốn giải ngân năm 2018 gấp đôi so với năm 2009, đạt mức 19,1 tỷ USD. Các khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trước tác động của làn sóng FDI đổ vào Việt Nam.
Ngoài vốn FDI tăng trưởng mạnh qua các năm, chất xúc tác quan trọng giúp thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển tích cực là thương chiến Mỹ - Trung. Cách đây hơn 1 năm, khi chiến tranh thương mại này nổ ra, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Lý do là, nhà đầu tư Trung Quốc cũng như giới đầu tư ngoại tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển công xưởng, nhà máy sang các nước lân cận và Việt Nam nằm trong số đó.
Theo ông Lực, với vị trí địa lý giáp ranh Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam là thị trường được hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Không chỉ có vị trí thuận lợi để dịch chuyển nhà xưởng từ Trung Quốc vào Việt Nam, miền Bắc cũng có sự tương đồng về thói quen văn hóa - được xem là điểm cộng cho làn sóng này. Điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc là một số tỉnh, thành miền Bắc Việt Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh.
|
Thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
(Ảnh minh họa) |
Bất động sản công nghiệp miền Bắc khởi sắc mạnh mẽ
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam (nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, đất công nghiệp và các bất động sản hậu cần khác) từ khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ đã và đang biến động mạnh mẽ. Đúng như dự đoán của các chuyên gia, thị trường bất động sản các tỉnh phía Bắc sôi động hơn hẳn. Giám đốc JLL Hà Nội, bà Nguyễn Hồng Vân cho hay, khu vực miền Bắc đang hấp dẫn mạnh dòng tiền đầu tư nước ngoài.
Cùng với Hà Nội, thị trường các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng cũng trở thành tâm điểm thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp. Theo dữ liệu từ JLL, tại khu vực phía Bắc, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tính tới hết quý 3/2019 là 9.371 ha. Trong năm nay, thị trường sẽ đón nhận khoảng 615 ha đất công nghiệp. Theo bà Vân, với nhu cầu lớn, giá đất công nghiệp miền Bắc sẽ tăng trưởng ổn định. Giới đầu tư mới đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm tới việc đầu tư sở hữu tài sản công nghiệp tại Việt Nam.
Giá đất công nghiệp bình quân trong quý 3/2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 6,7%, ở mức 95 USD/m2/chu kỳ thuê. Các khu công nghiệp hoạt động tại 5 tỉnh, thành mạnh nhất miền Bắc gồm Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh có tỷ lệ lấp đầy bình quân tăng 200% so với quý 1/2019, đạt mức 69%. Giá thuê bình quân hàng tháng cho nhà máy nằm trong khoảng 4-5 USD/m2/tháng.
Cũng theo chuyên gia của JLL Hà Nội, xu hướng giới sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là tại các thành phố công nghiệp trọng điểm của khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu từ Nikkei Asian Review cho hay, trong tổng số 33 công ty Trung Quốc được khảo sát có gần 70% đơn vị có kế hoạch dịch chuyển nhà máy tới thị trường nước ngoài. Hiện tại, các nhà sản xuất đang nhắm tới thị trường Việt Nam.
Từ cuối năm 2018 tới nay, các nhà sản xuất bắt đầu dịch chuyển, di dời nhà xưởng khỏi Trung Quốc. Cụ thể, hồi đầu năm ngoái, hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple, Goertek đã đầu tư 260 triệu USD xây nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác cũng chọn Việt Nam làm nơi dừng chân như Huafu, Yokowo, Hanwha, TCL... Cùng với đó, hàng loạt đơn vị khác cũng cân nhắc chọn Việt Nam đặt kho xưởng như Asics, Kyocera, Sharp, Nintendo, Lenovo, Foxconn...
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ phát triển tốt trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp mới nổi. Thị trường này sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện và nhà đầu tư nắm bắt thời cơ tốt.
(Theo ThanhnienViet)
Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2020/01/16/phan-khuc-bds-nong-nhat-nho-thuong-chien-my-trung-dang-dien-bien-ra-sao