Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản Hà Nội trong quý I/2016 mới đây đã được Savills công bố, theo đó, khối bán lẻ và căn hộ dịch vụ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thuê và tỷ lệ trống chưa được cải thiện.
Theo báo cáo của đơn vị này, trong quý I/2016, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội đạt khoảng 1,1 triệu m2, ổn định so với quý trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê bình quân dù tăng 4,9% so với cùng kỳ 2015 nhưng lại giảm 1,6% so với quý IV/2015. Giá thuê tại các trung tâm thương mại được ghi nhận là đã giảm 3,1% theo quý. Mặc dù giá thuê mặt bằng tại các TTTM giảm mạnh nhưng tổng quan cả khối đế bán lẻ và trung tâm bách hóa lại ghi nhận tăng lần lượt là 3,2% và 4,2%.
Giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung tâm thương mại tại Hà Nội suy giảm
(ảnh minh họa, nguồn:baodatviet)
Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại tiếp tục giảm -1,1%, trong khi khối đế bán lẻ và các trung tâm bách hóa lại lần lượt tăng 3% và 1,4 % so với quý trước. Khảo sát trên 14 trung tâm thương mại và trung tâm bách hóa tại Hà Nội cho thấy, ngành thời trang chiếm 47% tổng diện tích thuê, tiếp đến là ngành thực phẩm và nước giải khát với 27%.
Savills cũng cho biết, khối căn hộ dịch vụ cũng có một quý hoạt động không mấy hiệu quả. Trong khi nguồn cung căn hộ dịch vụ tại Hà Nội gia tăng đạt khoảng 3.708 căn, tăng 0,4% theo quý và 4% thì công suất thuê lại giảm mạnh xuống 3% so với quý trước.
Giá thuê phòng bình quân cũng giảm nhẹ xuống 0,1%. Trong quý I/2016, tất cả các hạng đều ghi nhận số lượng căn hộ cho thuê thêm đạt mức âm. Quận Tây Hồ là quận ghi nhận mức doanh thu phòng bình quân cao nhất trong quý.
Trong năm nay, dự kiến thị trường Hà Nội chỉ có thêm 1 dự án mới gia nhập thị trường và cung cấp khoảng 100 căn hộ. Từ 2017 trở đi, 15 dự án tương lai sẽ đi vào hoạt động.
Theo cục đầu tư nước ngoài, tổng vốn giải ngân FDI của Việt Nam hiện đạt 1,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2016, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cầu từ khách thuê Châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ thuận với vốn FDI từ các nước này. Nguồn cung 2016 tiếp tục ổn định sẽ giúp thị phần căn hộ dịch vụ ít chịu áp lực cạnh tranh hơn.
Cũng theo báo cáo của Savills, văn phòng cho thuê là phân khúc BĐS thương mại có hoạt động tươi sáng nhất trong quý vừa qua. Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ đón thêm một dự án mới gia nhập thị trường, cung cấp khoảng 40.000 m2 sàn.
Nguồn cung văn phòng tại Hà Nội tăng 5,5%. Không chịu nhiều áp lực nguồn cung, giá thuê và tỷ lệ lấp đấy trung bình tại tất cả các hạng đều tăng. Giá thuê hạng A tăng 0,2% theo quý; Hạng B và Hạng C cũng tăng lần lượt 1,8% và 2,1% theo quý. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hạng A tăng 0,4 điểm % theo quý, hạng B tăng 0,6 điểm % còn Hạng C tăng 0,1 điểm %. Sự gia tăng của giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình dẫn đến hoạt động của văn phòng dịch vụ hạng A tại khu vực trung tâm được cải thiện so với quý IV/2015, trong khi tại khu vực ngoài trung tâmvẫn giữ mức ổn định.
Dự kiến, trong năm 2016, 9 dự án mới sẽ gia nhập thị trường, cung cấp khoảng 127.000m² sàn văn phòng cho thuê. Theo Savills, thị phần này nếu muốn tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực như hiện tại đòi hỏi các công ty quản lý phải có các chính sách điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh để tăng tính cạnh tranh.