Bất chấp lĩnh vực BĐS, vật liệu xây dựng và nội thất, thủy điện… được cho là đã “qua cơn bĩ cực” và có nhiều cơ hội phát triển, đa số các giao dịch mua bán tài sản quy mô lớn lại rơi chủ yếu vào các dự án loại này.
Thị trường tài chính Việt Nam dường như đang chứng kiến với một làn sóng mới các thương vụ bán tài sản xấu của một loạt các tên tuổi lớn. Bất chấp lĩnh vực BĐS, vật liệu xây dựng và nội thất, thủy điện… được cho là đã “qua cơn bĩ cực” và có nhiều cơ hội phát triển, đa số các giao dịch mua bán tài sản quy mô lớn lại rơi chủ yếu vào các dự án loại này.
Điển hình như, mới đây Quốc Cường Gia Lai - DN có tiếng trong lĩnh vực BĐS - đã chuyển nhượng dự án Phước Kiểng trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho một đối tác liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Giá trị thương vụ chuyển nhượng này chưa được công bố cụ thể, nhưng trước mắt Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận được khoản tạm ứng hơn 1.100 tỷ đồng để trả nợ vay BIDV. Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng giá đáng kể ngay sau khi thương vụ được công bố.
Phước Kiểng là một trong những dự án lớn nhất mà Quốc Cường Gia Lai tâm huyết theo đuổi trong thời gian dài từ năm 2008, với kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích tăng trưởng mới cho công ty. Nhưng thủ tục giải phóng mặt bằng quá phức tạp, cùng với quy mô đầu tư vốn quá lớn, đã khiến cho “mỏ vàng” chưa thể sinh lợi như kỳ vọng. Trong khi đó, các khoản lãi vay phải trả của dự án này lại gây tác động xấu đến Quốc Cường Gia Lai, khiến cho lợi nhuận tập đoàn chỉ vỏn vẹn 69 tỷ đồng trong 2016, tương ứng với ROE chỉ có 1,73%.
Tương tự, một thương vụ bán tài sản xấu khác là ở Phát Đạt, khi chủ đầu tư BĐS này đang lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ dự án The Everich 3 trị giá 1.584 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ cho Ngân hàng Đông Á. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi khi không ít dự án BĐS được rao bán và chuyển nhượng, rằng phải chăng đánh giá triển vọng dự án đã không còn sáng, khi so với trách nhiệm nợ mà chủ đầu tư đang gánh? Hay sức ép tài chính khiến các chủ đầu tư này buộc phải “bán phứt” cho nhẹ nợ?
Nhưng không chỉ có lĩnh vực BĐS, trường hợp khác là Vingroup (và Tân Liên Phát, công ty con của Vingroup) với “cục nợ” Gỗ Trường Thành - DN mà tập đoàn này từng thâu tóm. Với khoản lỗ hơn 1.200 tỷ đồng chỉ tính riêng trong năm 2016, tương lai của Trường Thành thật sự khá mù mịt. Do đó, thương vụ chuyển nhượng phần vốn đầu tư trong Trường Thành của Vingroup cho Tập đoàn U&I mới đây được xem là nước cờ hợp lý, giúp cho tập đoàn này trút bỏ được một gánh nặng đè lên mình bấy lâu nay.
Ở các lĩnh vực sản xuất khác, thị trường cũng ghi nhận những giao dịch chuyển nhượng giá trị lớn, như Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục hoàn thiện các bước thủ tục cuối cùng để chuyển nhượng mảng mía đường cho Thành Thành Công. Hay, qua thương vụ chuyển nhượng một số dự án thủy điện cho Bitexco, cùng với dứt bỏ mảng địa ốc, “Bầu Đức” của Hoàng Anh Gia Lai hy vọng nguồn thu sẽ giúp giảm đáng kể các khoản nợ khủng mà DN này đang gánh, cũng như có thêm nguồn lực để tập trung vào lĩnh vực khác có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn.
Thực tế việc tái cơ cấu các tài sản xấu, bán đứt chúng không còn là câu chuyện quá mới ở Việt Nam. Trong quá khứ cũng đã có một số DN phục hồi để trở lại đường đua sau khi mạnh tay trong việc “cắt khối u” là các lĩnh vực hoạt động không hiệu quả, chẳng hạn như Licogi 16, hay Kinh Bắc...
Nhưng ở thời điểm hiện tại mà nhìn về phía trước, những thương vụ nêu trên chỉ là vài trường hợp điển hình. Dự báo về thị trường chuyển nhượng dự án từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng làn sóng tái cấu trúc các “cục nợ” có thể sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục sôi động, nhất là đối với các DN đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Đơn giản là dòng tiền cho họ tiếp cận đã không còn nhiều như 2 năm trước.
Lý do, NHNN đang yêu cầu các NHTM phải tuân thủ theo các quy định của Thông tư 06/2016 về việc giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn tài trợ cho các dự án trung và dài hạn, từ 60% xuống chỉ còn 50% trong năm nay; và giảm về 40% kể từ 2018. Theo đó, việc bán các tài sản kém sinh lợi xem ra là lối thoát khả dĩ cho nhiều DN đang ngập trong nợ nần, dưới sức ép cơ cấu lại tín dụng của các ngân hàng.
Khi các giao dịch như trên được thực hiện, ở phía các cổ đông, có lẽ họ sẽ cảm thấy vui hơn nếu lợi nhuận được cải thiện. Tuy nhiên xét về dài hạn, khi các tài sản có tiềm năng lớn, nhất là dự án BĐS có vị trí đẹp bị dứt bỏ thì viễn cảnh tăng trưởng của DN sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặt trong tình huống lưỡng nan như thế, ban lãnh đạo công ty sẽ cần phải có lời giải thích rõ ràng cho các cổ đông, nếu không giá cổ phiếu không những không tăng mà còn có thể suy giảm trở lại.