Với những tín hiệu tích cực về hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản ven biển Bình Thuận khá sôi động trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để tránh "tiền mất, tật mang", nhà đầu tư nên cẩn trọng khi rót tiền vào dự án đất nền ven biển.
=> Bình Thuận phối hợp với Bộ Công an xử lý dự án "ma" của Alibaba
Thực tế cho thấy, phần lớn dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư; các thủ tục liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng chưa hoàn thiện; chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Thế nhưng, các chủ đầu tư lẫn đơn vị phân phối sản phẩm vẫn rao bán và chuyển nhượng nhà đất thông qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ, thu tiền của khách hàng.
Trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan không quy định những hình thức giao dịch nói trên. Do đó, việc mua đất nền tại các dự án này ẩn chứa không ít rủi ro.
Việc Công ty CP Địa ốc Alibaba đưa khách đến tham quan dự án bất động sản trên địa bàn các xã, thị trấn như Tân Phúc, Thắng Hải (Hàm Tân, Bình Thuận), Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) khiến chính quyền địa phương như "ngồi trên đống lửa" bởi chưa bao giờ nghe tên dự án này. Do đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền đã cho cắm bảng cảnh báo lừa đảo, giúp người dân cảnh giác hơn với tình trạng lừa đảo bán đất nền, chiếm đoạt tài sản. Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, Công ty CP Địa ốc Alibaba không hề đăng ký dự án nào trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
|
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Hàng loạt tập đoàn công ty bất động sản có tiếng đã đổ bộ về thị trường đất nền ven biển Bình Thuận kể từ đầu năm 2017 tới nay. Giới đầu tư địa ốc trên toàn quốc đều hướng sự quan tâm tới địa phương này khi các dự án được quảng bá rầm rộ. Tin đăng bán đất nền, quảng cáo bất động sản với lợi nhuận "khủng" xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.
Vì thiếu thông tin, không tìm hiểu kỹ lưỡng nên nhiều nhà đầu tư từ nơi khác tới Bình Thuận phải "ngậm đắng, nuốt cay" bởi đã cọc tiền, giữ chỗ nhưng mãi không thấy dự án được khởi công. Nhiều người chỉ thực sự "vỡ lẽ" khi Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ra tới 15 văn bản gửi các công ty địa ốc trên địa bàn, thông báo đa số các dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng cũng chưa có.
Để giải quyết tình trạng nói trên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp cùng nhiều đơn vị liên quan thực hiện rà soát, kiểm tra hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, Bình Thuận hiện có 32 dự án kinh doanh bất động sản được chấp thuận đầu tư, trong đó, phần lớn là những dự án phân lô bán nền. Đáng chú ý, có 4/32 dự án đủ điều kiện kinh doanh, số còn lại đều trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư. Mặt khác, trong 42 dự án du lịch nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh địa ốc tại địa phương, chỉ có 21 dự án đã thực hiện giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Các dự án còn lại vẫn đang "trên giấy".
Vậy nên, cơ quan chức năng địa phương cần công khai các dự án đã đủ điều kiện, dự án chưa đủ thủ tục pháp lý cho người dân và nhà đầu tư nắm rõ. Động thái này nhằm mục đích giúp thị trường bất động sản Bình Thuận phát triển ổn định, lành mạnh, giảm thiểu phát sinh khiếu kiện, tranh chấp, gây ảnh hưởng tới trật tự xã hội. Đồng thời, việc này còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có uy tín, năng lực thực hiện dự án, kéo giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật khi tham gia vào thị trường địa ốc.
Theo Sài Gòn Giải phóng Online