Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ trên địa bàn TP.HCM đang rất lớn. Doanh nghiệp địa ốc đủ năng lực và điều kiện về quỹ đất để làm nhà ở xã hội nhưng cần Nhà nước hỗ trợ về chính sách, thủ tục hành chính nhanh gọn.
TP.HCM có thể làm được nhà giá rẻ 300 triệu đồng
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, ông Lê Hữu Nghĩa, 5 năm trước, tỉnh Bình Dương đã làm được nhà giá trên 100 triệu đồng/căn, diện tích sử dụng khoảng 30m2. Tuy nhiên, Bình Dương phải xây dựng kế hoạch này cả thập kỷ mới làm được vậy. Nhà giá rẻ tại TP.HCM phải có mức giá trên 300 triệu đồng mỗi căn.
Ông Nghĩa cho rằng, TP.HCM rất khó làm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Nguyên nhân là, doanh nghiệp có thể tự mua đất, xây dựng nhưng chính sách, cơ chế khó khăn nên khó triển khai được dự án. CEO này lấy dẫn chứng về dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Bình Chánh. Từ tháng 3/2019, công ty đã nộp hồ sơ dự án xin chủ trương chấp thuận đầu tư cơ bản song tới nay vẫn chưa xong. Sau công đoạn xin chấp thuận đầu tư còn nhiều thủ tục duyệt quy hoạch, thông qua Sở Xây dựng..., vì thế hồ sơ pháp lý dự án chưa biết bao giờ mới hoàn thiện để thi công.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành cho biết: "Giá nhà ở xã hội của chúng tôi là dạng căn hộ cho thuê 50 năm, dao động khoảng 500 triệu đồng/căn có diện tích hơn 40 m2. Nếu TP.HCM có chính sách phát triển nhà ở giá rẻ diện tích khoảng 20-25m2/căn thì có thể giá bán cho người dân chỉ khoảng 300-350 triệu đồng/căn ở thời điểm này".
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu thông tin, về vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, vào năm 2016, đơn vị đã có báo cáo gửi tới TP.HCM, Chính phủ, bộ, ngành. Nếu quỹ đất công, đất khu chế xuất, khu công nghiệp... được đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầy đủ thì TP.HCM có thể xây dựng được 10.000 nhà ở xã hội giá rẻ như ở Bình Dương.
Theo ông Châu, TP.HCM hoàn toàn có thể làm được nhà giá rẻ 30m2 (10m2 gác lửng, 20m2 sàn) với giá 300 triệu đồng/căn trong trường hợp khu vực đó hội tụ đủ những điều kiện tương đồng như Bình Dương. Cụ thể, các điều này gồm hệ thống hạ tầng giao thống có sẵn; đủ dịch vụ, tiện ích cơ bản như chợ, bệnh viện, trường học; tọa lạc gần nơi làm việc, khu công nghiệp...
Lãnh đạo HoREA đề xuất: "Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần phát triển nhiều nhà ở xã hội cho thuê có diện tích 25-50m2 để phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động. Với đặc thù của TP, HoREA đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, diện tích 25-77m2, giá 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng".
|
Một mẫu thiết kế nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp tại TP.HCM. (Ảnh: HTD) |
Doanh nghiệp gặp khó khi xây nhà giá rẻ
Việc xây dựng nhà ở giá rẻ tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với dự án chung cư bình dân, tiền sử dụng đất chiếm trên dưới 10% giá nhà; hơn 50% với biệt thự và 30% với nhà phố.
Ông Châu phân tích: "Giảm tiền sử dụng đất thì giá nhà mới có thể giảm. Hiện nay tiền sử dụng đất được thu theo kiểu tận thu, như vậy rất khó có nhà giá rẻ. Thứ hai, quá nhiều loại thuế phải giảm bớt, rà soát lại để tránh thuế chồng thuế. Vấn đề thứ ba, thủ tục hành chính kéo dài khiến chi phí dự án tăng lên. Rút ngắn thủ tục mới mong giảm được giá thành". Mặt khác, giá cả trên thị trường cần được Nhà nước kiểm soát, quản lý bởi nếu giá vật liệu xây dựng tăng sẽ kéo theo giá nhà tăng lên.
Về cơ cấu giá thành căn hộ, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, giá căn hộ gồm tiền sử dụng đất, điện nước, san lấp đường, cơ sở hạ tầng; tiền bồi thường đất; chi phí thiết kế, xây dựng, các khoản vay vùng nhiều chi phí khác. Do đó, để giảm giá bán căn hộ, cần tìm cách giảm giá những thành tố này. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản tốn quá nhiều chi phí lẫn thời gian cho thủ tục đầu tư, xây dựng. Để sớm hoàn thành thủ tục pháp lý dự án, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp khâu giấy tờ.
Ông Nghĩa đề xuất, dự án án nhà ở công nhân nên được quy hoạch sẵn trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp. Doanh nghiệp được cho không đất này để xây dựng cở hạ tầng, làm nhà ở công nhân. Giá căn hộ chắc chắn sẽ giảm xuống mức thấp nhất khi doanh nghiệp không phải rót kinh phí cho tiền đất, hạ tầng.
Chủ tịch HoREA cho biết thêm, tại Việt Nam, giá nhà đang cao gấp 20-25 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Còn tại các nước phát triển, mức chênh lệch này chỉ từ 5-7 lần. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay mua nhà tại các nước phát triern cũng rất thấp, dưới 3%/năm, thậm chí có nước còn chưa đến 1%/năm. Thế nhưng, tại Việt Nam, mức lãi suất ưu đãi nhất để vay mua nhà ở xã hội là 4,8-5%/năm và người dân vẫn khó tiếp cận.
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online