Theo TS Đinh Thế Hiển, mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong quý 2/2012 nhưng thị trường BĐS chỉ có thể tan băng cục bộ
Theo TS Đinh Thế Hiển, mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong quý 2/2012 nhưng thị trường BĐS chỉ có thể tan băng cục bộ, tình hình chung vẫn trong giai đoạn khó khăn và tiêu thụ thấp. Giá BĐS sẽ tiếp tục giảm trong nhiều phân khúc đất nền và căn hộ trong 6 tháng cuối năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2012, lượng tiền gửi của dân cư tăng rất nhiều so với mức tăng cho vay của ngân hàng. Điều này cho thấy lượng tiền lớn của người dân đang không biết đầu tư vào đâu.
Theo một chuyên gia kinh tế, đầu tư công và tín dụng ngân hàng hiện sẽ đổ vào BĐS nên nguồn vốn cho lĩnh vực này không thiếu. Nhờ đó, DN BĐS sẽ thoát được vấn đề thiếu thanh khoản.
Còn theo TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng (IIB), thị trường BĐS năm 2012 bị ảnh hưởng rất mạnh bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Nguồn vốn sụt giảm trong khi lượng cung tiếp tục tăng khiến thị trường chịu áp lực giảm giá mạnh. Hai khó khăn lớn nhất của các DN địa ốc lúc này chính là nhu cầu vốn và nhu cầu thị trường đều giảm sút.
Ông chia sẻ, nguồn cung BĐS giai đoạn 2008 – 2012 quá lớn và dự kiến tiếp tục tăng, trong khi lãi suất cho vay của VN vẫn cao so thế giới và so thu nhập người dân là những hạn chế của thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư thứ cấp của nước ta đang gặp gánh nặng về vốn vay và chưa có niềm tin về sự tăng trưởng. Thêm vào đó, việc lãi suất giảm quá nhanh và mạnh gây nên rủi ro là BĐS giá cao vẫn tồn tại, tạo ra bất ổn cho nền kinh tế.
Nói thêm về bối cảnh hiện nay, ông Hiển cho biết đang tồn tại hai nhận định về kinh tế VN. Với quan điểm nền kinh tế nước ta khó khăn vừa qua là do khủng hoảng thế giới và do siết chặt tín dụng thì chỉ cần Chính phủ hỗ trợ lại DN, bơm vốn vào nền kinh tế, sắp tới VN sẽ ổn định trở lại như trường hợp kích cầu năm 2009. Song cá nhân ông nhận định khó khăn hiện nay là sự tích lũy của nhiều năm. “Nền kinh tế tăng trưởng không dựa vào cải thiện năng suất lao động, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng. Mỗi lần có khó khăn, VN lại giải quyết vấn đề một cách cục bộ, gia tăng đẩy vốn lên, rồi lại gặp bất ổn mới với quy mô cao hơn. Dần dần, tăng trưởng tín dụng so GDP giảm dần cho thấy thâm dụng vốn dẫn đến những bất ổn” – ông Hiển nói.
Nếu với nhận định đầu, người ta tin rằng thị trường BĐS sẽ tan băng, thậm chí tăng trưởng tốt. Tuy nhiên theo ông, có thể Chính phủ sẽ làm được trong ngắn hạn, nhưng sau đó sự tan băng đó diễn ra rất nhanh và không bền vững. Trong bối cảnh này, Chính phủ vừa thận trọng để giải quyết vấn đề vốn, lại phải tìm cách đưa vốn vào khu vực sản xuất.
Ông Hiển cho rằng mặc dù xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong quý 2/2012 nhưng BĐS chỉ có thể tan băng cục bộ, tình hình chung vẫn trong giai đoạn khó khăn và tiêu thụ thấp. Giá BĐS sẽ tiếp tục giảm trong nhiều phân khúc đất nền và căn hộ trong 6 tháng cuối năm. Do đó, các DN BĐS sẽ tiếp tục gặp khó trong năm nay.
Dù vậy, trong cái khó vẫn còn có cơ hội. Với khả năng ổn định kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2012, cùng với mức độ giảm sâu của BĐS và chủ đầu tư buộc phải bán trả nợ ngân hàng sẽ xuất hiện cơ hội mua BĐS giá rẻ để tìm kiếm lợi nhuận trong 1-2 năm sau.
Còn theo chuyên gia trên, tình trạng đình đốn đã xảy ra. Liều thuốc về chính sách tiền tệ bơm hơi quá liều nên sẽ không chảy vào khu vực SXKD vì sản xuất không tiêu thụ được trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới chưa tốt. Do vậy nguy cơ dễ xảy ra bong bóng BĐS và chứng khoán. Về giải pháp hiện tại, chuyên gia này nhận định không nên đảo nợ cho các công ty BĐS do họ đã hưởng được rất nhiều ưu đãi trong những năm qua. Ưu tiên hiện này là nên dẫn dòng vốn tính dụng vào khu vực sản xuất.
Đồng quan điểm, TS Hiển chia sẻ, để BĐS có thể hồi phục, các dự án kinh doanh phải hướng tới đối tượng khách hàng tiêu dùng để ở và mua để kinh doanh (khai thác, cho thuê). Còn nếu các công ty chỉ hướng đến đối tượng đầu cơ như hiện nay thì chỉ có thể tạo nên những cơn sóng ngắn với các cơn cuồng nhiệt rồi lại rơi vào tình trạng ảm đạm.
(Theo Vinacorp)