Trái với thông lệ vào thời điểm cuối năm nhu cầu về nhà ở
tăng cao, thị trường thời điểm này vẫn rất èo uột, giá bất động sản tiếp tục
lao dốc, liên tiếp giảm giá tới 20-30%.
Trái với thông lệ vào thời điểm cuối năm nhu cầu về nhà ở tăng cao, thị trường thời điểm này vẫn rất èo uột, giá bất động sản tiếp tục lao dốc, liên tiếp giảm giá tới 20-30%.
Điển hình như dự án Vân Canh, giá các lô đất diện tích lớn 140m2 trở lên hiện còn 38-40 triệu đồng/m2. Khu đô thị Geleximco hiện có mức giá hấp dẫn, liền kề đường to khoảng 50-55 triệu đồng/m2, các lô nhà, biệt thự nằm trên trục chính có giá trên 100 triệu đồng/m2.
Tại khu C, các căn liền kề được chào bán nhiều ở mức giá 40 triệu đồng/m2, đường 11,5m giá 37 triệu đồng/m2, dự án Tân Tây Đô liền kề trên 30 triệu đồng/m2, dự án Nam An Khánh giá trên 30 triệu đồng/m2.
Dự án Thanh Hà đang được bán trên thị trường chỉ với giá 22-25 triệu đồng/m2, dự án đô thị mới Văn Khê giá 75 triệu đồng/m2, dự án Parkcity mức chênh lệch so với giá gốc giảm từ 300 triệu đồng/lô xuống còn 50 triệu đồng/lô, giá đất dự án Văn Phú (Lê Trọng Tấn kéo dài) hiện có mức trung bình 60-65 triệu đồng/m2 các khu nhà liền kề đường to, đường nhỏ khoảng 55-58 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, ở khu đô thị Văn Khê, đối với nhà liền kề đường nhỏ mức dao động từ 80-84 triệu/m2, liền kề đường 17m2 là 100 triệu/m2, liền kề đường 24 m2 từ 105-110 triệu/m2. Riêng biệt thự, dao động trên dưới 70 triệu/m2 tùy thuộc vào đường, hướng đi.
Tại Văn Phú, dự án chung cư Victoria được giao dịch ở mức 19-21 triệu/m2 phụ thuộc vào hướng, còn nhà liền kề đường nhỏ giá từ 54 đến 60 triệu/m2.
Làn sóng bán tháo bất động sản không chỉ xảy ra đối với phân khúc đất nền mà tại nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội cũng đã xuất hiện nhiều căn nhà được chào bán với mức giảm lên đến 3-5 tỷ đồng/căn. Nhiều công ty đã phải bán căn hộ giá rẻ để trả nợ ngân hàng. Dự báo, giá bán căn hộ tại những dự án cao cấp thời gian tới có thể còn thấp hơn.
Trước sức ép đáo hạn ngân hàng, các khoản nợ chồng chất, sản phẩm kém thanh khoản, nhiều ông chủ BĐS đang phải rao bán và chuyển nhượng các dự án.
Bức tranh BĐS năm 2011 được nhìn với một màu tối. Doanh nghiệp rên xiết vì chính sách thắt chặt tín dụng, đã có những dự án phải bán tháo và sẽ có những tên tuổi phải rời khỏi sân chơi.
Lý giải về tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản năm 2011 là kênh đầu tư nhiều khó khăn, thiếu vốn, sức cầu hạn chế và tính thanh khoản chậm. Đã không có dòng tiền lớn chảy từ vàng, ngoại tệ sang bất động sản như nhiều người nghĩ, bởi khi tiền đồng mất giá, nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, người dân đã không chọn bất động sản là kênh đầu tư vì lo ngại thanh khoản kém.
Trong tuần qua, tại triển lãm Vietbuild, hàng loạt công ty bất động sản miền Nam đã mang hàng ra Bắc chào bán. Mặc dù, có nhiều khuyến mại cùng giá cả hấp dẫn, thậm chí, tặng cả vàng khi mua đất vẫn nhưng khách hàng vẫn chưa đón nhận mặn mà. Tâm lý chờ đợi giá bất động sản xuống đáy vẫn đang đè nặng lên quyết định xuống tiền đối với khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản.
Vốn FDI đổ vào bất động sản "rớt" mức kỷ lục
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực bất động sản trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt con số 464 triệu USD, xếp thứ tư về thu hút FDI. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Trước đó, năm 2008, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 23 tỷ USD, năm 2009 vốn FDI đạt 21,48 tỷ USD. Năm 2010 mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng FDI dành cho BĐS đạt 6,8 tỷ USD.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ lớn đang gặp khó khăn về tài chính vì vậy không thể tiếp tục mở rộng đầu tư mà chỉ tập trung hoàn thành các dự án đã triển khai.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề như không có tính thanh khoản, giá giảm mạnh vì vậy không tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
(Theo LĐ/Vnmedia/HNM)