Năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) thực sự thuộc về người mua khi các chiến dịch 'bung hàng' của chủ đầu tư sẽ tùy thuộc vào sức mua của thị trường.
Chiến dịch bán hàng ồ ạt của các chủ đầu tư tại nhiều dự án như Vinhomes Gardenia (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm), Tràng An Complex (Cầu Giấy), Goldseason (Thanh Xuân), Hanoi Landmark 51 9Hà Đông) trong thời gian qua là nhằm tranh thủ sự ấm lên của thị trường BĐS năm 2015. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 19.350 giao dịch địa ốc thành công trong năm vừa qua, tăng gần 1,7 lần so với năm 2014. Song, vấn đề đặt ra cho các chủ đầu tư là, tốc độ giao dịch này liệu có tiếp tục được duy trì trong năm nay.
Lượng giao dịch trên thị trường tiếp tục ổn định trong tháng 1/2016 khi Tp.HCM và Hà Nội có khoảng 3.200 giao dịch thành công, số lượng giao dịch này tăng khoảng 3% so với tháng 12/2015 và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, khu vực phía Tây Hà Nội là nơi có thị trường sôi động nhất với các dự án Mon City (Mỹ Đình); Goldmark City (Hồ Tùng Mậu); Season Avenue và Hanoi Landmark 51 (Hà Đông)... Trong khi đó, phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1-2 phòng ngủ) tại Tp.HCM có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn được giao dịch nhiều.
Năm 2016, các chiến dịch bung hàng của chủ đầu tư BĐS sẽ tùy thuộc vào
sức mua của thị trường.
Đánh giá về sức mua của thị trường BĐS năm 2016, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự chuyển biến của kinh tế thế giới và xu hướng hợp tác quốc tế sẽ tác động quan trọng tới thị trường địa ốc Việt Nam, gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực, yếu tố tích cực vẫn chiếm ưu thế. Cả người dân và doanh nghiệp sẽ đầu tư vào BĐS bởi đây là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay nếu như các doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội cũng như có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường Việt Nam đứng trước cơ hội có luồng vốn lớn. Chuyên gia này cho biết: “TPP vừa hoàn thành đàm phán và sẽ được ký kết trong thời gian tới, cộng với Hiệp định thương mại Việt Nam - EU và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cùng nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát thấp, Nhà nước mở cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Do đó, một luồng vốn lớn sẽ vận hành vào thị trường BĐS Việt Nam để tận dụng cơ hội này”.
Vậy nhưng cũng có chuyên gia khuyến cáo, các chủ đầu tư cần cẩn trọng khi lượng cung căn hộ nói riêng và BĐS nói chung trong năm 2016 là rất lớn. Minh chứng là, hàng loạt dự án lớn được tung ra thị trường dự án Goldmark City, Goldseason, Goldsilk Complex,… của TNR Holdings với trên 7.000 căn hộ. Các dự án của FLC như FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Garden City (Bắc Từ Liêm), FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy, FLC Star Tower Hà Đông. Bên cạnh đó, những dự án đang triển khai ở quận Nam Từ Liêm và Hà Đông như HD Mon City (quy mô 2.500 căn hộ và nhà liền kề), Ecolife Capitol (800 căn hộ), Season Avenue (1.300 căn hộ) và Landmark 51 (700 căn) sẽ bổ sung nguồn cung căn hộ cực lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2016.
Về sức hấp thụ của thị trường trước lượng cung BĐS dồ dào này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Trần Kim Chung nhận định, khác với giai đoạn trước, hiện sự tăng trưởng của thị trường BĐS có yếu tố bền vững hơn. Hơn nữa, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định trở lại, chủ đầu tư ít phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và các nhà đầu tư tiềm năng. Trên thực tế, có những dự án hoàn thành cơ bản mới chào bán. Mặt khác, dòng tiền từ ngân hàng thường được tập trung cho khách hàng mua nhà hơn là cho chủ đầu tư, từ đó sẽ đảm bảo cho thị trường phát triển một cách bền vững.