TS Huỳnh Thế Du, thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng giá nhà cần hợp lý đáp ứng mức tích lũy 30-40% tổng thu nhập của người dân dành cho việc mua nhà.
Không mua nổi nhà với thu nhập dưới 8 triệu đồng/tháng
TS Huỳnh Thế Du phát biểu tại tọa đàm “Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị” tổ chức ngày 17/12 đã chỉ ra nghịch lý giữa thu nhập của người dân và giá nhà, khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp.
Theo đó, ông đưa ra kết quả nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, những người có thu nhập từ 5 - 7,7 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà với giá nhà chính thức là 9,7 triệu đồng/m2.
Còn đối với những người với thu nhập từ 10,2-14,3 triệu đồng/tháng cũng chỉ có thể mua được nhà ở với diện tích rất nhỏ, từ 39-55 m2.
Trong khi đó, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang khá khan hiếm, giá lại không hề thấp so với thu nhập hiện nay của người dân. Với mức giá bán từ 11-14 triệu đồng/m2, nhiều khu nhà ở xã hội nằm trong khi vị trí "heo hút".
Ông Du cho rằng:“Chỉ có thể mua một căn nhà ở thoải mái với thu nhập 32 triệu đồng/tháng".
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Tp.HCM, trên địa bàn thành phố có thêm 7 dự án nhà ở xã hội trong năm 2015, với quy mô hơn 6.145 căn cung ứng ra thị trường.
Dự kiến, thành phố tiếp tục xây dựng hoàn thiện 13 dự án nhà ở xã hội còn lại trong giai đoạn 2011-2015. Tính trên địa bàn thành phố hiện đã có 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin làm nhà ở xã hội. Bên cạnh đó Thành phố cũng đang xem xét cho chuyển 8 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Thu nhập dưới 8 triệu đồng/tháng không thể mua nhà ở xã hội (ảnh minh họa)
Vẫn còn nhiều “luật chơi” riêng
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho rằng, nhiều chính sách tháo gỡ và giải cứu thị trường chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp tham xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khác.
Các doanh nghiệp cho rằng, nhà ở xã hội không thể nào dưới 12 triệu đồng/m2 do vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp và công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang, cho rằngphần lớn ở các nước nhà ở xã hội đều do chính phủ thực hiện. Trong khi đó, Chính phủ nước ta cũng khó có thể làm nhà ở xã hội mà phải thực hiện xã hội hóa và Chính phủ có các chính sách, ưu đãi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng của Công ty Becamex IDC (Bình Dương), góp ý thêm: “Cần căn cứ vào điều kiện của địa phương và điều kiện cụ thể của người dân mới có thể đặt ra kế hoạch làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp”.
Lý giải tình trạng chương trình phát triển nhà ở chưa thành công, doanh nghiệp BĐS dường như “quay lưng”, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng cũng có phầnnào trách nhiệm, bởi để bảo toàn đồng vốn họ có những "luật riêng".
“Nhà ở xã hội đang mất hẳn lợi thế cạnh tranh khi có điều kiện xét duyệt cho vay mua nhà quá ngặt nghèo, chỉ hơn là được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Tuy vậy thực tế cho thấy rằng nếu chủ đầu tư không biết “lách luật” thì không phải người thu nhập thấp nào cũng được chấp thuận cho vay ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty Đất Lành, nói.
Tăng quỹ đất làm nhà ở xã hội
Theo quy định doanh nghiệp phải dành ít nhất 20% diện tích đất dự án để làm nhà ở xã hội. Tuy vậy, phía doanh nghiệp cho rằng, quy định trên khá cứng nhắc, hạn chế sức sáng tạo của chủ đầu tư tại dự án, đồng thời ảnh hưởng đến bài toán về giá thành của họ.
Về phía các chuyên gia, cho rằng quy định này của nhà nước là hợp lý. Vì nếu để người thu nhập thấp và thu nhập cao ở những nơi riêng rẽ khác nhau sẽ dễ dẫn đến sự hình thành các khu ổ chuột trong khu đô thị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng không thể trông cậy vào phần diện tích 20% này để phát triển dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, các địa phương, đặc biệt là Tp.HCM, cần hình thành các cụm nhà ở xã hội tại các quận, huyện ngoại thành, nơi còn có nhiều quỹ đất trống.
Ông Châu nhận định thêm, trong điều kiện có thể, chúng ta chỉ nên tập trung vào hai hoại hình nhà ở xã hội cho thuê và cho thuê mua. cCũng cần linh hoạt hơn khi xem xét khái niệm nhà ở xã hội, có thể là nhà ở thương mại giá rẻ, do doanh nghiệp phát triển và nhận được ưu đãi của Nhà nước, bán cho người có thu nhập thấp.