Theo báo cáo vừa được Hiệp hội BĐS Tp.HCM công bố ghi nhận, 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS tăng mạnh, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới tại Tp.HCM rất lớn.
|
Theo thống kê của HoREA, tín dụng cho BĐS trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh |
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Đây là mức tăng rất cao, so với cùng kỳ năm 2016 chỉ đạt 5%.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng mức lãi suất lại giữ ổn định và khá hợp lý, trong đó, lãi suất vay mua NOXH giữ ở mức 4,8%.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn Tp.HCM đã huy động được khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, so với năm 2016 đã tăng 4,5%; Dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ, tăng khoảng 10% và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Tuy nhiên, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn lại không có nhiều biến động, luôn chiếm khoảng 10% trong tổng số dư nợ.
Cũng theo báo cáo vừa được công bố của HoREA, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới tại Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập. Cụ thể, có 18.000 doanh nghiệp mới được thành lập trên địa bàn thì 1/3 là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS.
Việc có rất nhiều doanh nghiệp BĐS mới thành lập cho thấy thị trường BĐS đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư và khởi nghiệp trong xã hội.
Liên quan đến chuyển động của thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm 2017, HoREA cũng ho biết, thị trường đang có nhiều biến động tích cực. Theo đó, tỷ lệ căn hộ vừa túi tiền (thuộc phân khúc trung cấp và giá rẻ) tại Tp.HCM đang chiếm đa số với khoảng 68,7% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, trong khi nhà ở bình dân tại Tp.HCM có xu hướng tăng nhanh, tỷ lệ tăng là 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2016, thì nhà thuộc phân khúc trung bình đang có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê, có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên phát triển nhà trung cấp nhưng trong nửa đầu năm 2017 lại không cung cấp sản phẩm nào ra thị trường.
Mặc dù thị trường BĐS Tp.HCM vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, nhưng thị trường vẫn đang tồn tại hàng loạt “điểm nghẽn” cần phải giải quyết.
Có thể kể đến một số điểm nghẽn như: Gánh nặng tiền sử dụng đất; vấn đề giải phóng mặt bằng; điểm nghẽn trong việc chuyển nhượng dự án; chính sách tín dụng hiện còn chưa phù hợp và thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài.
Trong trong thời gian qua, HoREA liên tục có những kiến nghị tháo gỡ các điểm nghẽn này gửi đến nhiều cấp chính quyền. Tuy nhiên đến nay, đa số các “điểm nghẽn” vẫn tồn tại và cản trở sự phát triển của thị trường BĐS.