2016 là năm chứng kiến nhiều sự kiện BĐS... lạ lùng, chưa từng xảy ra. Cùng điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý đó.
Chủ đầu tư căng băng rôn khuyên khách hàng... đừng mua nhà
Sự việc nghe có vẻ vô lý trên diễn ra tại dự án Riverside Garden, 349 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Một số cổ đông của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex đã căng băng rôn khuyên khách đừng mua nhà vì dự án hiện đang có tranh chấp.
Băng rôn được một số cổ đông của Công ty Prosimex trưng ra trước dự án
với mục đích khuyên khách hàng đừng mua nhà
vì dự án đang dính tranh chấp
Trước cảnh báo trên, một số khách hàng của dự án cho biết dù đã có ý định đến đặt tiền mua căn hộ nhưng phải rút lui vì lăn tăn chưa hiểu cụ thể như thế nào. Có không ít khách hàng lo lắng về khoản tiền đặt cọc trước đó.
Chung cư bị ngân hàng siết nợ
Cuối tháng 5 vừa qua, hàng trăm hộ dân sống tại chung cư The Harmona, quận Tân Bình, Tp.HCM sốt vó vì phát hiện thông tin tòa nhà sắp bị ngân hàng siết nợ.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn thời điểm đó đã phát văn bản yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình thực hiện bàn giao tài sản thế chấp là chung cư Harmona. Thời gian thực hiện bàn giao tài sản là 9h ngày 9/6/2016.
Cư dân tòa nhà The Harmona lo lắng trước thông báo sẽ thu hồi tòa nhà
của ngân hàng (Ảnh: N. Hà - Tuổi trẻ)
Ngân hàng theo đó đã tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên để thu hồi nợ vay. Nguyên nhân được lý giải do khoản nợ vay của Công ty Thanh Niên đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn đã quá hạn nhưng DN vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Theo đó, lần lượt danh sách 77 dự án tại Tp.HCM và 34 dự án tại Hà Nội đang thế chấp ngân hàng đã được công bố. Những khách hàng mua nhà tại các dự án này tỏ ra rất lo lắng, bức xúc.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, việc dự án được mang đi thế chấp ngân hàng là hoạt động bình thường. Chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp theo luật vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án. Theo đó, chủ đầu tư những dự án này phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận. Người mua nhà tại các dự án trên có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.
Tranh chấp giữa ca sĩ Thu Minh và CT Phương Nam
Ngày 5/4/2016, ca sĩ Thu Minh bất ngờ chia sẻ trên trang facebook cá nhân về những phiền toái khi mua 2 căn hộ penthouse chậm tiến độ tại dự án Léman Luxury Apartments do Công ty C.T Phương Nam, một thành viên của Tập đoàn C.T Group làm chủ đầu tư. Các căn hộ hạng sang nói trên toạ lạc tại góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Trương Định, ngay trung tâm quận 3, được khởi công vào tháng 3/2011. Đến quý I/2016, dự án này mới hoàn tất khâu cất nóc. Cam kết trong hợp đồng nêu rõ, thời hạn bàn giao nhà là quý IV/2015. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ khiến ca sĩ Thu Minh đi từ quyết định thanh lý hợp đồng đến việc đâm đơn khởi kiện.
Ca sĩ Thu Minh kiện công ty CT Phương Nam ra tòa để đòi bồi thường
số tiền là 12 tỷ đồng
Tuy nhiên, ngay trong ngày 5/4, chủ đầu tư cũng có văn bản giải trình gửi đến các cơ quan báo chí, đồng thời cho biết sẽ kiện ngược nữ ca sĩ.
Đại diện Công ty C.T Phương Nam cho biết, Công ty C.T Phương Nam ký hợp đồng mua bán căn hộ và các phụ lục đính kèm với ông Roelof Wilem Otto De Jager và bà Vũ Thu Minh vào tháng 1/2015. Vợ chồng ca sĩ Thu Minh đã thực hiện mua 2 căn hộ penthouse PD1 và PD2, tầng 23 và 24, với giá hơn 63 tỷ đồng. Khi ký kết hợp đồng mua bán căn hộ, thay vì phải nộp 15,8 tỷ đồng, tương đương 25% tổng giá trị hợp đồng cho lần thanh toán đợt đầu tiên thì Thu Minh đề nghị chỉ thanh toán 2 tỷ đồng. Tháng 9/2015, với lý do chủ đầu tư chậm giao nhà, Thu Minh muốn thanh lý hợp đồng. Hai bên theo đó đã tiến đến thanh lý hợp đồng vào ngày 24/11/2015, thống nhất Công ty C.T Phương Nam sẽ bồi thường thêm Thu Minh 5,7 tỷ đồng. Trong quá trình thanh toán các đợt bồi thường, Thu Minh đã đâm đơn kiện công ty CT Phương Nam ra tòa để đòi bồi thường 12 tỷ đồng.
Không có đường, “siêu dự án” 3000 tỷ đồng dừng thi công
Một "siêu dự án" của Công ty cổ phần Sao Ánh Dương đã dừng triển khai vì lý do không có đường vào. Người dân địa phương cho biết, từ khi dự án triển khai, đường không thấy được làm mà chỉ dùng đường tạm bợ đã có.
Thực tế, con đường dẫn vào khu công trường thi công đã có barie chắn ngang. Trên nền đất, nhiều mảng bê tông bị đập nham nhở, phương tiện không thể lưu thông.
Dự án Sunshine Garden đang thi công dang dở thì phải
tạm dừng vì lý do không có đường vào
Dự án Sunshine Garden nằm ven tuyến đường Minh Khai - Yên Duyên - Vĩnh Tuy. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư. Tuyến đường Minh Khai – Yên Duyên – Vĩnh Tuy được UBND TP. Hà Nội giao cho Vĩnh Hưng triển khai có chiều rộng 40m, chạy qua dự án Sunshine Garden.
Hiện tại, tuyến đường này vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Thực tế, Sunshine Garden hiện tại vẫn chưa có đường đi. Công ty cổ phần Sao Ánh Dương - chủ đầu tư dự án đã phải mượn đất của Công ty Vĩnh Hưng để làm đường đi tạm, bãi tập kết vật liệu.
Người dân khu vực này phản ánh, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng vì xe trọng tải lớn phục vụ dự án gây ra quá nhiều khói bụi, ồn ào. Do đó, phía Vĩnh Hưng đã yêu cầu Sao Ánh Dương dừng các phương tiện đi lại hoạt động trên tuyến đường từ đầu tháng 10/2016.
Bán nhà nhưng không bán tường và cầu thang
Ông Nguyễn Xuân Minh sống tại số nhà 116/12A phản ánh, căn hộ nơi ông và gia đình ở hiện nay trước đây là căn hộ thuộc Khu tập thể số 116 đường Trần Quốc Toản của Ban Tài chính quản trị Trung ương do Cục Hành chính quản trị T78 quản lý. Năm 1988, ông Minh được tạm cấp căn nhà, sau đó thuê lại của Công ty Dịch vụ công ích quận 3.
Theo Nghị định 61, căn hộ của ông không thay đổi hình dạng, kết cấu, nhưng mỗi lần cán bộ địa phương xuống đo vẽ, căn hộ này lại có một diện tích khác nhau.
Khu tập thể số 116 đường Trần Quốc Toản
Theo giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng Tp.HCM cấp năm 1992, diện tích xây dựng nhà ông Minh là 76,88m2. Năm 2006, Công ty Dịch vụ công ích quận 3 làm bản vẽ thực hiện bán nhà theo Nghị định 61 thì diện tích xây dựng nhà ông Minh chỉ còn 37,2m2. Diện tích sử dụng thời điểm đó là 69,58m2. Năm 2008, gia đình ông Minh được UBND quận 3 cấp sổ hồng với các số liệu là 69,58m2 diện tích sàn, 37,2m2 diện tích sử dụng riêng, và 33,35m2 được gọi là “diện tích sử dụng”.
Ông Minh cho biết thêm, trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, mảnh đất ông đang ở có kích thước 3,1m x 12m, tức là có diện tích 37,2 m2. Tuy nhiên, diện tích được ghi trong sổ lại là 33,35m2. Hơn nữa, phần diện tích nửa cái ban công là 1,37m2, gầm cầu thang 1,09 m2 và tường nhà vệ sinh 0,34 m2, dù là của căn nhà này, nhưng lại không được tính vào diện tích để bán cho nhà ông Minh.
16 căn nhà liên kề khác trong Khu tập thể 116 - Trần Quốc Toản được hóa giá đều chung tình trạng với căn nhà của ông Minh.
Nguyên nhân được nêu ra là do các cơ quan chuyên môn chưa xác định đó là nhà chung cư hay tập thể. Nếu căn hộ là chung cư thì không bán tường, cột và phần diện tích sử dụng chung. Nếu căn hộ là nhà tập thể thì việc bán sẽ được phân bổ theo tỷ lệ cho phù hợp. Sắp tới, UBND quận 3 sẽ họp lấy ý kiến người dân để có quyết định cuối cùng.